Độc giả gửi: Chào đất mẹ, con đi…

1425

Khoảnh khắc được trở về, được sống trong khung cảnh bình yên của quê hương luôn là những cảm xúc thật nhất, tuyệt vời nhất của mỗi con người. Để rồi theo tiếng gọi của những bon chen cơm áo gạo tiền, họ lại khăn gói ra đi. Với những hoài niệm ấy, Độc giả Phạm Hồng Sơn đã gửi đến Nga Sơn Biz những dòng tâm tư, những cảm nhận sâu sắc về quê hương Nga Sơn mỗi dịp đi – về.

Chào đất mẹ, con đi…

Thời gian trôi qua thật nhanh. Mới ngày nào háo hức mong chờ tới Tết, mới ngày nào chuẩn bị mai, đào, quất, dọn nhà, trang trí, gói bánh, ép giò… Vậy mà sớm nay, khi cả miền quê vẫn còn say ngủ, trời còn chưa sáng rõ mặt người, tôi đã phải lên xe vào phương Nam để tiếp tục sự học của mình.

Một cái Tết nữa đã qua…

Tôi trở về đây vào ngày 28 Tết, khi đào đã khoe sắc hồng, cỏ cây, hoa lá đều tươi thắm và đâm chồi nảy lộc, không khí Tết đã bao trùm từng con ngõ nhỏ. Đâu đó trong xóm, người ta đã bật nhạc xuân và trên đường, thi thoảng lại thấy người chở mai, chở đào, chở quất về trang trí Tết… Tất cả làm cho con người ta có một cảm giác nôn nao, hứng khởi khó tả.

Ảnh: Đình Trọng –  Baomoi.com

Tôi thích lang thang trên phiên chợ ngày Tết, nghe tiếng buôn bán xôn xao, tiếng xì xào trả giá; tôi thích ngắm nhìn những gian hàng của những con người thôn quê.những mặt hàng đậm chất Tết như lá dong, bánh gai, mai, đào, hoa trang trí,…ngập cả hai bên đường.

Nhắc đến “mùi” Tết, người ta thường hay liên tưởng ngay đến mùi gạo nếp thơm lừng gói trong lá dong xanh, mùi thịt đông béo ngậy điểm thêm vài trứng vịt hay mùi dưa hành cay hăng nồng. Tôi lại không có ấn tượng sâu đậm với những thứ mùi hiển nhiên ấy. Có chăng, thứ làm tôi cảm thấy nhớ ngày Tết hơn bao giờ, đó chính là mảnh đất này trong những ngày giáp tết.

Ảnh: Đình Trọng – Baomoi.com

Buổi sáng dậy sớm, trời se lạnh, khoác một tấm áo mỏng nghênh ngang đi trên con đường làng bằng bê tông nhỏ hẹp mà chẳng sợ bị đụng xe. Hai bên đường ngập đầy hoa và cỏ non xanh mượt. Thi thoảng bắt gặp ánh mắt quen thuộc, lại cúi đầu: “chào Bà”, ”chào Chú”, “chào Cô”. Làng tôi vốn nhỏ, lại lâu đời nên hầu như gặp ai cũng quen, gặp ai cũng biết. Ngoài câu chào và cái gật đầu chào lại ra, những ngày này còn có những câu hỏi nghe vui vui như “tết nhất đến đâu rồi?”, “tết về đến ngõ chưa?”, “nhà chú năm nay ăn tết to không?”,… Những câu chào hỏi vừa nghe vui tai, vừa thấy ấm lòng và lại càng nôn nao hương vị tết.

Tâm tư tôi cũng có đôi chút kì lạ, tôi háo hức vào những ngày giáp tết, man mác buồn trong những ngày tết và sống chậm rãi, cảm nhận những ngày sau tết. Có chăng cũng như Xuân Diệu ngày xưa, yêu mùa xuân nhưng lại sợ thời gian đưa mùa xuân đi mất …

Tôi càng yêu nơi này hơn trong những ngày sau tết, cái độ trước sau rằm tháng giêng, Tết hết nhưng dư vị vẫn còn, người dân quê tôi lại quay về cuộc sống hằng ngày, đầu tiên là vụ mùa, mẹ đi cấy lúa, mưa phùn rét mướt, về nhà vẫn còn cơm trắng, giò mỡ và dưa hành…

Mùa xuân, mọi thứ dường như cũng tươi đẹp hơn. Gió xuân mang hương cỏ man mác, lúa bén chân xanh tốt, tôi lại thích đi chân trần lang thang trên những cánh đồng mới cấy đầy mạ non… Đất trời như hừng lên màu nắng mới, màu nắng của hi vọng, màu nắng của yêu thương.

Ảnh: Phạm Hồng Sơn

Con đường trước mắt của tôi vẫn còn xa ngái, quê hương lại vỗ về tôi giấc mộng của ngày xưa, của cánh đồng lúa bén chân xanh tươi, của những câu chuyện ngày xưa ngày xửa, mỗi cơn mưa phùn, mỗi cơn gió thoáng qua đều làm tôi bâng khuâng khó tả.

 Nga Sơn không phô trương, không có những con phố già nua cổ kính như Hà Nội; cũng không tấp nập, xô bồ như Sài Gòn. Ở đây có những con đường làng đơn sơ, có chùa Tiên, có động Từ Thức, có dưa hấu của Mai An Tiêm, những thứ có trong câu chuyện ngày xưa ngày xửa bà thường hay kể. Nga Sơn cũng có núi, có đồi, có sóng biển rì rào. Người đi luôn nhớ, kẻ ở luôn thương…

Chẳng ai có thể thắng được sự vô tình của thời gian. Thời gian trôi đi làm cho một đứa trẻ lớn lên, trưởng thành rồi đi tìm cuộc sống riêng, cũng làm cho mái tóc đen ngày nào của bố mẹ trở nên bạc trắng. Có chăng, cũng bởi vậy mà mỗi độ tết đến, chúng ta thường thấy niềm vui trong mắt của trẻ thơ nhưng thi thoảng lại là nỗi buồn lo sâu thẳm trong mắt người lớn. Tết này còn đông vui, tết này nên trân trọng từng giờ khắc…

Có ai đó từng nói với tôi: “muốn từ bỏ tất cả nơi phồn hoa đô thị để về quê sống một đời bình yên, ban ngày chờ chiều xuống, buổi tối đợi trăng lên,”. Có người lại bảo tôi: “Cuộc đời phải trải qua sương gió, nêm trải đủ ngọt bùi đắng cay, như thế mới thỏa một kiếp người”. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết thế nào là đúng, thế nào là sai. Sống ở quê an nhàn hay ra thành phố bươn chải? Như thế nào mới là tốt thực ra rất khó trả lời và có lẽ tôi đang trên đường đi tìm câu trả lời cho chính mình…

4 giờ sáng, chuyến xe bắt đầu lăn bánh, khung cảnh quen thuộc bên ngoài cửa kính dần khuất sau lưng. Vậy là tôi phải rời xa nơi này, xa người thân, xa bạn bè và xa cả những kỉ niệm thời thơ ấu. Từng hàng cây, từng cột mốc như nhìn tôi tiễn biệt, sương sớm lăn từng vệt dài trên cửa kính, tôi vội đưa tay gạt hai giọt sương đang chực lăn dài trên má…
Chào đất mẹ! Con đi…
Phạm Hồng Sơn