Trường THPT Ba Đình 55 năm xây dựng và trưởng thành

1474


Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Ba Đình huyện Nga Sơn luôn nỗ lực phấn đấu để trở thành một trong những trường tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa về chất lượng dạy và học.

Nga Sơn – miền quê huyền thoại. Đến với Nga Sơn, người ta như lạc vào cõi bồng lai, một bước lên tiên cảnh, một bước xuống trần ai. Động Từ Thức, cửa Thần Phù, chiến khu Ba Đình, chùa Tiên là những vết tích lắng đọng của hồn đất, tình người của xứ Châu Hoan xưa và Nga Sơn hôm nay. Cảm mến tấm chân tình của Từ Thức, tiên nữ Giáng Hương hóa thân thành những hạt phù sa bồi lắng nên hình hài văn vật, mặn mòi hồn quê xứ thanh.

Theo đó, ngày 22/08/1963, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hoá ký Quyết định số 1878QĐ/VX thành lập Trường cấp III Nga Sơn trên địa phận xã Nga Yên. Tháng 12/1986 nhân kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Ba Đình, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 1666 QĐ/ UBTH đổi tên trường thành Trường PTTH Ba Đình.

Năm học đầu tiên 1963-1964, nhà trường có 3 lớp gồm 2 lớp 8 tuyển mới và 1 lớp 9 chuyển từ Trường cấp III Hà Trung về với 120 học sinh, 9 thầy cô giáo do thầy giáo Lại Văn Tấn làm Hiệu trưởng. Trong 2 năm đầu, trường phải học nhờ Trường cấp II Nga Sơn và phòng y tế của huyện. Những năm chiến tranh, trường phân làm 2 khu: Khu Bắc, khu Nam và sơ tán đến các địa điểm: Khu Bắc gồm các điểm Nga Văn, Nga Trường, Nga Hải và khu Nam gồm các điểm Nga Mỹ, Nga Trung, Nga Nhân.

Ngày đầu thành lập, phát triển trong điều kiện chiến tranh, thầy và trò gặp muôn vàn khó khăn thách thức: Vừa phải duy trì nề nếp dạy và học, vừa tổ chức lao động xây lán lớp học, làm bàn ghế, cải tạo cảnh quan môi trường. Khi phải sơ tán đến các xã để tránh chiến tranh phá hoại, thầy trò phải đội mũ rơm đến trường, thậm chí phải tổ chức học ban đêm.

Trong điều kiện bom gào, đạn rung đó, các phong trào thi đua vẫn được đẩy mạnh, nhất là phong trào “ba sẵn sàng”, “ năm xung phong” để duy trì và nâng cao chất lượng dạy học. Trong các tập thể học sinh nở rộ những bông hoa điểm 5 (điểm 10 hiện nay) tiêu biểu cho tinh thần “ dũng sỹ diệt Mỹ”; nhà trường lần đầu tiên có học sinh giỏi cấp tỉnh, đó là em Nguyễn Thị Hải lớp 10B niên khoá 1966 – 1967 đạt giải ba môn Toán và đến 1974 là em Trần Hợp Chính lớp 10H đạt giải Nhì môn Toán.

Các hoạt động giảng dạy, giáo dục của nhà trường diễn ra sôi động. Số lượng học sinh và số lớp dần tăng lên. Năm 1975 có tới 27 lớp với gần 1400 học sinh, tỷ lệ tốt nghiệp luôn đạt trên 90% (Tỷ lệ cao lúc bấy giờ) và nhiều học sinh được tiếp nhận vào các trường Đại học. Đáp ứng yêu cầu mới, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung.

Năm 1966, thầy Nguyễn Danh Dự được bổ nhiệm Hiệu phó và hai năm sau thầy Dự được Ty Giáo dục điều lên làm Hiệu trưởng Trường cấp III Hà Trung và thầy Trần Ngọc Bốc được bổ nhiệm Hiệu phó kiêm Bí thư chi bộ. Năm 1969 thầy Lưu Ngôi được bổ nhiệm Hiệu phó. Hưởng ứng khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thầy và trò nhà trường đã hăng hái tòng quân lên đường nhập ngũ. Đã có 17 thầy giáo và 2.145 học sinh tham gia lực lượng vũ trang góp phần to lớn vào trang sử hào hùng của dân tộc. Nhiều em đã trở thành những dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú như Lê Quang Vinh, Mai Văn Chính.

Chiến tranh phá hoại kết thúc, năm học 1973 – 1974 trường chuyển về vị trí hiện nay. Thầy và trò lại bắt đầu làm lại từ đầu, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp từ nguồn đóng góp, ủng hộ của phụ huynh và nhân dân trong toàn huyện. Nhà trường đã bắt đầu ổn định và phát triển nhanh chóng, đáp ứng được tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện nhà. Năm 1974, sau 4 năm thầy Lưu Ngôi đảm nhiệm Quyền Hiệu trưởng, thầy Lưu Xuân Tiếu – Trưởng phòng bổ túc văn hoá của Ty Giáo dục được điều về làm Hiệu trưởng và thầy Nguyễn Đình Miện được bổ nhiệm Hiệu phó.

Ngày 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất. Thời khắc vui sướng tự hào đến ngỡ ngàng dâng tràn khắp nơi, thầy và trò đem niềm vui vào trong từng tiết học. Thời kỳ này, số lớp và số học sinh tăng lên nhiều, năm 1981 có đến 51 lớp với hơn 2000 học sinh gồm cả hệ phổ thông và hệ bổ túc. Do đó, đội ngũ quản lý và giáo viên được củng cố và tăng cường.

Ty Giáo dục bổ nhiệm 2 Hiệu phó mới là cô giáo Đặng Thị Linh và thầy giáo Hoàng Kiều. Năm 1982, thầy Mai Xuân Hảo – Hiệu phó Trường cấp III Hà Trung và thầy Thịnh Giao cán bộ Ty Giáo dục được điều về làm Hiệu phó. Năm 1984, thầy Lưu Xuân Tiếu nghỉ hưu, thầy Mai Xuân Hảo được bổ nhiệm Hiệu trưởng; thầy Trần Ngọc Chinh được đề bạt Hiệu phó, thầy Mai Văn Quy từ Trường PTTH Trung Sơn về làm Hiệu phó. Hai năm sau, thầy Mai Ngọc Khanh – Bí thư Đoàn trường được đề bạt Hiệu phó.

Đội ngũ giáo viên đã có tới 115 người. Sức ép về số lượng học sinh đã gây khó khăn rất lớn đến cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Trên cơ sở tìm tòi, khảo nghiệm và từng bước chấn chỉnh nền nếp, nhà trường đã có những bước đi mới với việc thành lập các lớp “chọn” theo định hướng thi Đại học, vừa tăng cường bồi dưỡng giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng của Bộ Giáo dục từ chỗ lấy lao động sản xuất làm “khâu trung tâm” đến chỗ “lao động hướng nghiệp và dạy nghề”, nhà trường đã triển khai nhiều hình thức lao động như dệt chiếu, dóc quại, đan bao manh, đốt gạch, nung vôi, trồng nấm rơm, sản xuất đồ mộc, trồng cây… góp phần củng cố cơ sở vật chất và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Sự kiện đánh dấu quan trọng đối với nhà trường là năm 1986, nhân kỷ niệm 100 năm khởi nghĩa Ba Đình, nhà trường rất vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đổi tên Trường Phổ thông cấp 3 Nga Sơn thành Trường PTTH Ba Đình. Niềm vui, niềm tự hào đã kích thích, động viên nhà trường thi đua dạy tốt, học tốt. Vì vậy, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.

Tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 nhiều năm đạt 100%, nhiều em đỗ loại khá, giỏi. Số lượng học sinh thi đỗ đại học từ chỗ chỉ có 1 đến 2 em mỗi năm học đã lên tới gần 100 em. Nhà trường đã vươn lên vị trí dẫn đầu ngành giáo dục cả nước, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), Bộ giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua và Bằng khen. Thầy Mai Xuân Hảo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, bộ máy lãnh đạo nhà trường có sự thay đổi lớn. Thầy Mai Xuân Hảo được Sở điều động Hiệu trưởng Trường chuyên Lam Sơn, thầy Trần Ngọc Bốc được bầu Phó Chủ tịch UBND huyện, thầy Mai Văn Quy chuyển sang UBND huyện, thầy Thịnh Giao được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường PTTH Nga Sơn 2 (nay là Trường THPT Mai Anh Tuấn), thầy Mai Ngọc Khanh được bổ nhiệm Hiệu trưởng; thầy Nguyễn Đình Phùng được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng.

Nhà trường được UBND huyện đầu tư xây dựng khu Hiệu bộ kiên cố cùng với 2 dãy nhà cao tầng 20 phòng học và các trang thiết bị khác, cảnh quan môi trường tiếp tục được cải tạo. Kế thừa kết quả đã đạt được, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua và do đó đã tạo ra những bứt phá về chất lượng.

Năm học 1992 – 1993, em Mai Viết An đạt giải ba Quốc gia môn Hoá học do thầy giáo Mai Văn Đính giảng dạy đã có tác dụng to lớn trong việc động viên, khích lệ các thầy cô giáo và các em học sinh vươn lên giảng dạy, học tập. Kể từ năm 1993 đến 2000, nhà trường liên tiếp có 12 học sinh đạt giải Quốc gia ở các bộ môn Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 7 giải ba và 2 giải khuyến khích.

Nhà trường liên tục đạt tiên tiến xuất sắc, dẫn đầu ngành giáo dục và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1991), hạng Nhì (năm 1996). Thầy Mai Văn Đính tổ trưởng tổ Hoá học được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể thầy và trò Trường THPT Ba Đình huyện Nga Sơn qua các thời kỳ luôn phát huy truyền thống hiếu học của quê hương cách mạng gắn với cuộc khởi nghĩa Ba Đình lịch sử của dân tộc, dần khẳng định vị trí, vai trò, khắc phục khó khăn trong nhiều giai đoạn lịch sử để phấn đấu trở thành một trong những trường luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa về chất lượng dạy tốt, học tốt, góp phần vào mục tiêu chung cho sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Với những kết quả đã đạt được nhà trường cũng đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, nhà nước, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều bằng khen, giấy khen, huân chương, cờ thi đua, đặc biệt nhà trường vinh dự được đón nhận là đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới…

Nguồn: http://giadinhvaphapluat.vn/thanh-hoa-truong-thpt-ba-dinh-55-nam-xay-dung-va-truong-thanh-p63321.html