Cô bé nhà nghèo, chịu đau đớn gần 10 năm để được đi học

2030

Gần đến ngày lên bàn mổ nhưng em Lã Thị Duyên và mẹ (xóm 9, xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) vẫn phải gồng mình lo viện phí. Cuộc sống ngày mai sẽ thế nào nếu tất cả những gì giá trị nhất, tiền vay mượn được đã đổ vào trị bệnh.

Đau đớn là vậy nhưng 11 năm liền, Duyên luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: Đình Việt
Cắn răng chịu đau để được đến trường

Giữa cái nắng oi ả đầu tháng 6, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy em Lã Thị Duyên với cái lưng còng bước những bước đi lệch tập tễnh, nhọc nhằn. Nhìn đứa con gái xinh xắn đang tuổi ăn, tuổi lớn phải chịu cảnh đau đớn, bà Nguyễn Thị Giảng, mẹ em Duyên lại không cầm được nước mắt, bà Giảng cho biết: “Tôi có ba đứa con gái, Duyên là con thứ hai. Em vừa kết thúc chương trình học lớp lớp 11 thì bệnh tình bắt đầu diễn biến xấu và phải chuyển ra Hà Nội để điều trị”. Trước khi gặp mẹ con Duyên, chúng tôi được biết, dù gia cảnh nghèo khó, bố mất sớm và thường xuyên bị những cơn đau hành hạ nhưng trong suốt nhiều năm, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Khi đến BV Việt Đức, các bác sỹ chuẩn đoán phần xương hông và vai của Duyên bị trật so với cột sống, để lâu dễ bị liệt, cần phẫu thuật ngay. Nhưng để được phẫu thuật, phải mất khoảng 200 triệu đồng, một số tiền quá lớn với người làm nông như bà Giảng.

Theo bà Giảng, bệnh tình của con gái xuất phát từ một cú ngã năm học lớp 3. Đó là vào một buổi tối tháng 6, bà đi cấy ngoài đồng tối mịt mới về, đến nhà thì nhận được tin con gái vừa bị ngã đập lưng vào cạnh tường. Kiểm tra thấy một vết thương nhỏ ở lưng, nghĩ con chỉ bị thương nhẹ nên bà Giảng đưa qua nhà hàng xóm nhờ đắp lá thuốc. Sau đó thì bà yên tâm vì con gái không kêu đau nữa.

Tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó, nhưng đến năm lớp 9, thấy con liên tục kêu đau và buốt dọc sống lưng nên bà Giảng đưa con đến Bệnh viện huyện kiểm tra thì được chẩn đoán không sao và kê cho đơn thuốc về uống. Cuối năm 2016, có lần Duyên đau đến ngất đi, bà Giảng hốt hoảng đưa con đi khám bệnh mới được phát hiện nhưng số tiền quá lớn vượt ngoài khả năng chi trả của người mẹ nghèo. Nhiều đêm Duyên, mẹ, chị gái và em gái thức trắng vì cùng đau với cơn đau của em. “Lúc đó, tôi chỉ biết rang cám, bỏ mấy lát gừng vào vuốt, chườm cho con”, bà Giảng chia sẻ.

Theo bà Giảng, Duyên vốn ít nói và thường cố chịu đựng, khi không thể chịu đựng được nữa mới bắt đầu tâm sự với mẹ. Bà trách thì Duyên nói: “Con nói ra sợ sẽ không được đi học nữa. Nhà mình cũng không có tiền để chữa”. Nhìn con đi xiêu vẹo, không thẳng được như con người ta tôi cũng biết con bị bệnh nhưng hỏi thì con lại nói “không sao” tôi lại tạm yên tâm vì đi viện lấy đâu ra tiền?”, bà Giảng nghẹn lời.

“Khi biết bệnh tình của con, tôi thương con lại tự trách mình. Nếu tôi có điều kiện, con sẽ không phải dấu bệnh. Giờ chỉ mong con sớm khỏi bệnh để về tiếp tục hoàn thành ước mơ được học Trường Đại học Ngoại ngữ, khổ mấy tôi cũng chịu được”, bà chia sẻ

Bác ruột cắm cả sổ đỏ cho cháu điều trị
Bà Giảng không cầm được mắt khi nghĩ đến việc kiếm tiền cho con điều trị.

Nhìn con gái đau ốm, bà Giảng lại rơi nước mắt vì nghĩ đến người chồng bạc mệnh của mình. Năm 1997, bà nên duyên vợ chồng với một người cùng xã nhưng không lâu sau thì chồng bắt đầu đổ bệnh. Cũng từ đó, số ngày bà ở viện chăm chồng nhiều hơn ở nhà. Đến năm 2007 chồng mất, để lại cho bà ba đứa con thơ dại cùng số nợ hơn 100 triệu đồng.

Bà Giảng cho biết mình có ngôi nhà nhưng không cầm cố được nữa vì trả nợ ròng rã 10 năm vẫn còn thiếu ngân hàng 50 triệu. Bà đi vay khắp họ hàng, làng xóm được 90 triệu đồng để cứu con nhưng còn hơn 100 triệu đồng nữa thì rơi vào bế tắc.

Cám cảnh khổ sở này, ông Lã Đình Viết, bác ruột của Duyên đã phải mang sổ đỏ của gia đình đi cầm cố để cùng bà Giảng phẫu thuật cho cháu. Ông Viết cho biết, gia đình mình cũng không khá hơn là bao nhưng may mắn hơn em dâu và cháu vì vợ ông còn có đồng lương ít ỏi. Chứng kiến cảnh em dâu đi vay mượn nhưng vẫn không đủ chi phí, hai vợ chồng ông, sau nhiều đêm bàn tính đã quyết định mang cuốn sổ đỏ của gia đình đi thế chấp ngân hàng vay được 50 triệu đồng. “Vợ chồng tôi cũng chẳng suy nghĩ gì cả, còn người là còn tất cả, giờ chỉ mong cháu tôi sớm được khỏe mạnh thôi, mọi chuyện tính sau”, ông Viết nói.

Nhiều người là đồng hương huyện Nga Sơn – Thanh Hóa đã và đang đồng hành với mẹ con em Duyên trong quá trình chữa bệnh

Ngồi ở góc tường, khuôn mặt Duyên cứ phút chốc lại nhăn nhó vì cơn đau chợt đến. Từ ngày ra Hà Nội điều trị, em chủ yếu ngồi một chỗ vì cứ di chuyển là đau. Em kể, từ nhiều năm trước em đã phải gánh chịu những cơn đau điếng nhưng em không nói cho mẹ biết. Em vẫn cố gắng nén đau để tới trường cùng các bạn. Em sợ nếu nói ra, mẹ sẽ lo lắng và kiểu gì cũng bắt phải nghỉ học, đi viện. Như vậy sẽ rất tốn tiền mà em thì không muốn mẹ khổ. Trò chuyện với chúng tôi, Duyên cho biết “em chỉ mong được khỏi bệnh, được là sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ để được đi nhiều nơi, và kiếm thật nhiều tiền để mẹ trả xong nợ, đưa mẹ đi du lịch bù lại những ngày tháng cơ cực mẹ phải gồng mình nuôi ba chị em khôn lớn”.

Yêu cầu mẹ chỉ mua sách cũ

Ba chị em nhà Duyên hiếm khi có sách mới vì cả ba đều đề nghị mẹ mua sách cũ để tiết kiệm tối đa tiền chi cho học tập. Nhưng quyển sách cũ mẹ mua về đều được các em bọc lại cẩn thận, xếp đặt ngay ngắn. Đôi mắt ánh lên niềm tự hào, bà Giảng chia sẻ: Nhìn thấy ai có sách cũ bỏ đi không cần nữa là con xin về ngay để đọc. Thấy sách bỏ đi là nó thường mang về đọc và cất giữ rất cẩn thận”.

Mọi sự giúp đỡ em Lã Thị Duyên – Mã số 278 – xin gửi về:

1. Em Lã Thị Duyên và mẹ (xóm 9, xã Nga Văn, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa)
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 278
3. Ủng hộ trực tiếp tại chương trình “Vòng tay nhân ái”, tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DSKHHGĐ – Ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (Đối diện bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 278
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email: phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại 0975.839.126
4. Ủng hộ VNĐ qua ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank:
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 126000032013 , Ngân hàng TMCP Công thương, chi nhánh Nam Thăng Long, Hà Nội.
5. Ủng hộ VNĐ qua ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Agribank:
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 1303 201 045 980 . Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi nhánh Hà Thành, Hà Nội.
6. Ủng hộ VNĐ qua ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank:
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 0611001911287 . Ngân hàng TMCP Ngoại thương, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
7. Ủng hộ USD qua ngân hàng Vietinbank:
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 102020000189568 , Ngân hàng TMCP Công thương, chi nhánh Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam.
VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR INDUSTRY AND TRADE
Swift Code: ICBVVNVX
Further credit to: VIETNAM JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR INDUSTRY AND TRADE – BADINH BRANCH
Swift Code: ICBVVNVX124
– Thông tin người nhận:
Beneficiary name: Báo Gia đình và Xã hội
Account Number: 102020000189568
Đề gửi Mã số 278

Nguồn: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/co-be-nha-ngheo-chiu-dau-don-gan-10-nam-de-duoc-di-hoc-20170602192749078.htm