Một lần nữa, quá nửa mùa hạ đã qua.
Nắng vàng lại trải dài trên những con đường, góc phố.
Phương nam mùa này tiếng cấp cứu như lời than thở
Nghĩ về quê nhà, tôi bỗng thấy chơ vơ
Đã có một thời, tôi luôn mong chờ tới những ngày này đây. Khoảng thời gian cuối tháng 7-đầu tháng 8 hằng năm, Nga Sơn luôn có cái để người ta phải ngóng đợi, đó là trại hè. Tôi mong chờ những tối tháng 7 rộn ràng tiếng trống thiếu nhi, những đêm hè trong veo trải chiếu đếm sao cùng người bạn thời thơ ấu, những sáng sớm tinh mơ đi tâp bóng ở tận sân xã,… Đến năm nay, đứng giữa thành phố vắng người qua lại, tôi nhắm mắt lại nghĩ về những ngày đã qua. Những ngày trong xanh lại hiện về như một miền kí ức. Vẫn vẹn nguyên và vô cùng sáng rõ.
Hồi còn nhỏ, nhỏ xíu, tôi mong cho tới thiếu nhi để lên kho nô đùa cùng đám bạn thời thơ ấu.
Mâm cơm tối ngày hè có cà muối, có canh mướp nấu mỡ, có món cá kho khế mềm xương. Tôi sẽ ăn cơm tối rất chậm chạp, bình thản cho tới khi âm thanh đó vang lên:
“Tùng! Tùng! Tùng!”
Trong tư duy cực kì nhạy bén lúc bấy giờ, tôi sẽ hình dung ra được anh bí thư vừa mở cửa kho, lấy trống ra gõ ý nói “mấy em ăn cơm xong chưa? Lên gõ phụ để thiếu nhi lên tập”.
Chan luôn bát cơm dở với canh mướp, tôi nuốt vội rồi đứng dậy chạy đi. Sau lưng vẫn còn tiếng mắng của bà
“Ăn chưa khỏi cổ lại bắt đầu đi đi”.
Nhưng không vội sao được, đi nhanh may ra còn được gõ vài cái, lát nữa mấy đứa lớn hơn tới rồi, chỉ có đứng nhìn chứ làm gì được gõ nữa. Những ngày tháng ấy tôi thường đi sớm thứ nhì, (chỉ sau anh bí thư), mục đích chỉ là để được gõ trống. Có lẽ cũng nhờ vậy mà tới sau này tôi vào đội trống của làng. “Diễu hành, dâng hoa, chào cờ, chạy”,… tôi đều thuần thục cả.
Thời gian tập gõ trống ngắn ngủi của tôi sẽ kết thúc khi sân có lác đác vài người, những đàn anh lớn hơn sẽ ngang nhiên đến lấy cái trống của tôi. Tất nhiên là tôi cũng phải ngoan ngoãn hợp tác, bởi họ lớn hơn mà. Lớn lên tôi thấy đứa 18 tuổi đánh được người 24 25 tuổi. Nhưng ngày ấy thì không, lớp 5 chắc chắn đánh được lớp 4 và lớp 4 chắc chắn đánh được lớp 3, đại loại là như vậy.
Cũng đúng lúc ấy thì đám bạn của tôi vừa đến. Chúng tôi kéo nhau ra bã cỏ tối om bày trò chơi lùa nhau. Chia bè, kết phải, một đội lùa, một đội đuổi, bắt được hết lượt thì đổi lại. Dép được xếp gọn gàng vào một chỗ, cử hẳn một đứa ngồi trông coi. Có đứa đep luôn dép lên tay cổ tay. Đeo như thế làm gì à? Ngoài phần nhìn “ngầu” hơn ra thì còn tránh được rủi ro thằng canh gác đống dép lơ đễnh, làm mất.
Lùa nhau chán, chúng tôi lại tập trung ở bãi cỏ chơi đấu xe ngựa. Một thằng cõng, một thằng ngồi trên lưng. Đi trong bãi cỏ, thằng ngồi đưa chân đạp nhau loạn xạ. Ngã, lăn lộn dưới cỏ, đất cát lấm lem và ngứa ngáy,… Nhưng đến bây giờ tôi vẫn nói thật là ngày ấy có lấm lem cỡ nào, về nhà tôi cũng rửa chân tay, phủi chỗ đật cát cho xong rồi lên giường ngủ luôn chứ chẳng bao giờ tắm cả.
Cuộc vui buổi tối hôm đó sẽ kết thúc khi anh bí thư cho đội tập thiếu nhi về nghỉ. Sau đó thì sân kho sẽ không còn một bóng người. Chẳng ai dại gì mà ở lại đó lúc nửa đêm cả.
Những ngày tập thiếu nhi, nô đùa cùng đám bạn sẽ qua đi, cho tới một buổi sáng trong xanh, tôi thức dậy và nghe thấy tiếng khua trống. Tiếng trống vọng ra từ giấc ngủ, tôi bỗng thấy rộn rã. Chắc chắn chỉ còn 1 -2 ngày nữa là cắm trại, tiếng trống này chính là để nhắc nhở những anh chị đi tập thiếu nhi mang gạo, mang củi lên đóng góp để những ngày trại có các bà, các mẹ nếu cơm cho ăn.
Trại hè trong những ngày nhỏ xíu của tôi đa số là nhữg tối tập thiếu nhi ở làng. Còn tới ngày cắm trại, thứ mà tôi để tâm là những quầy đồ chơi nào xe tăng, máy chơi đện tử tay cầm và đặc biệt là súng nước. Bên cạnh đó là những cây kem ốc của bác Tịu, những cốc chè đá, chè thập cẩm ngọt lịm của dì Năm. Vâng, chỉ có nhiêu đó thôi, chứ nghi thức Đội hay văn nghệ lúc đó đối với tôi nó mơ hồ lắm.
Lớn lên một chút, tôi tham gia vào đội trống và đội bóng đá thiếu niên của làng.
Ngay trong nội bộ làng tôi đã chia thành 2 trường phái khác nhau “khu trên’ – “khu dưới”, luôn hăm he ăn thua lẫn nhau trong những trận đấu tới tối mịt tại sân kho, thì sự cạnh tranh “cấp xóm’ khỏi phải nói lớn tới mức nào. Đừng vội đánh giá giải “ao làng”, “ao xã”. Lớn lên tại làng văn hóa Quang Trung, một nơi giàu truyền thống về thiếu nhi và 13 lần vô địch bóng đá, chúng tôi luôn bước vào giải với mục tiêu là chức vô địch. Tôi tin những đội bóng ở làng khác cũng vậy, đội nào cũng bước vào giải với mục tiêu cao nhất. Vì truyền thống, vì vinh quang của xóm mình.
Lịch tập của đội bóng Quang Trung dày đặc và có đôi chút “phản khoa học”
Chúng tôi luôn tập trung “tập luyện” từ lúc 3 giờ sáng.
Tôi tỉnh dậy giữa đêm hè trong veo. Ra ngoài bể uống một hơi nước mưa mát lạnh, sau đó mởi ra khỏi nhà.
Ngay sân bóng làng có một ngã tư lớn, gọi là ngã tư ông Kinh. Ở đó có một bóng đèn đường rất sáng. Vì thế nên chúng tôi tập trung ngay giữa ngã tư. Khu trên, khu dưới, làng trong, làng ngoài nhìn từ xa đều thấy được. Tôi ló đầu ra khỏi cổng, thấy ngã tư đã có vài bóng người ngồi, nhìn thật kĩ xem đó là những ai, tôi mới yên tâm khép cổng và bước ra.
Nếu thời gian có quay trở lại, tôi sẽ quay về những giờ phút này đây.
Tôi bước đi giữa đêm hè trong xanh, ngẩng mặt lên là bầu trời đầy sao lấp lánh. Đâu đó phảng phất cơn gió mồ côi mang theo mùi hương của cỏ cây, của quả chín. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, thi thoảng hắt ra một vài tiếng chó sủa rồi lại lặng ngắt. Hương quê, sắc quê, vị quê,… tất cả đều êm đềm trong mỗi bước tôi đi.
Năm ấy, bóng đá lấy độ tuổi sinh năm 96 trở lại. Loại bớt những người không đam mê ra, còn lại cả thảy được 14 người. Tất cả đều độ tuổi 96 97 98.
Chúng tôi ngồi quây thành một vòng tròn, giữa ngã tư với ánh đèn đường. Chém gió một vài câu chuyện bâng quơ, cho tới khi “đội trưởng” lên tiếng
Anh em ơi, hôm nay chúng ta ăn gì dây?
Liền đó sẽ là một số lời bàn tán
Nhãn nhà ông K chín rồi, nhưng bất là chó ra sủa
Xoài nhà bà T cũng chín. Có quả xanh ăn chua, quả chín cây ăn ngọt lừ luôn
Ra đội 3 bất dừa uống cho mát
Ra gò kiếm ít dưa chuột với dưa gang luôn
Rất nhanh sau đó, đội trưởng thống nhất ý kiến và chia nhóm ra hành động. Mỗi nhóm từ 3 đến 4 người, trong nhóm luôn phải có một người người to khỏe, một người nhẹ gầy, một người nhanh nhẹn. Người to khỏe sẽ kiệu người gầy lên, người nhanh nhẹn sẽ vân chuyển chiến lợi phẩm giấu vào một nơi an toàn gần đó, đề phòng trường hợp bị phát hiện thì bỏ của chạy lấy người, rồi quay lại thu lại sau.
Chúng tôi chia nhóm ra hành động.
Khoảng hơn 1 tiếng sau, chúng tôi tập trung ở sân kho. Nào nhãn, dừa, xoài, dưa chuột,…mấy món này kì thực ở rủ lạnh nhà và ngoài cây nhà tôi lúc nào cũng có. Nhưng khi ăn thành quả cùng những người “đồng đội” lúc nào cũng rất ngon,khó tả. Thành ra đứa nào cũng cố ăn cho thật nhiều. Trong đội cũng có đứa cẩn thận, nó mang gần chục gói muối mì tôm để chấm xoài xanh.
Vâng, cái bụng thức dậy lúc 3h sáng, không ăn gì cả mà đưa vào nào nhãn, nào xoài, nào dưa chuột,… nó cồn cào, nó bứt rứt khó tả lắm. Nhưng mặc dù vậy, ngày ấy tôi không nghe thằng nào kêu bị đau bụng,.
Giải quyết xong đống trái cây, đồng hồ cũng điểm 5h, trời ngày hè sáng sớm, chúng tôi bắt đầu ra khởi động, chạy vài vòng cho quen sân rồi chia bè đá bóng. Đến đúng 6h, giải tán ai về nhà nấy.
Đến lúc đó, tôi đã thấm mệt. Thường thì tắm xong, tôi ngủ luôn một mạch đến 10h sáng mới dậy lo cơm nước.
Rồi xong bữa cơm trưa, tôi loay hoay đọc truyện, xem phim,.. cho nhanh nhanh tới đến chiều.
4h chiều, lúc trời còn đang nắng to, tôi đã đi ngâm cám cho lợn, hái rau rửa sạch để sẵn, cắm vội nồi cơm rồi lại lên kho đá bóng.
Lịch tập buổi chiều, đội bóng Quang Trung tập từ 5h đến lúc tối không nhìn thấy quả bóng đâu. Tôi ra về, anh bí thư luôn gọi với theo, “về tắm rửa cơm nước xong lên đánh trống cho anh nhé.”.
Và thời gian tôi rời nhà văn hóa chỉ cách một lần tắm và một bữa cơm tối. Ăn cơm xong, tôi lại lên kho đánh trống thiếu nhi. Sân kho ngày hè cũng đáng là giấc mơ cho mỗi người mơ về, nới đó có trống trại hè, có nghi thức đội, có tiếng nhạc của Đoàn, của Đảng nghe hân hoan và có cả những người dân trong làng lên xem nữa.
Đến hơn 10h đêm, thiếu nhi được giải tán cho về nghỉ. Tôi cũng được ra về. Một vài người đồng đội lại nháy mắt “sáng mai nhớ dậy sớm 3h tiếp nhé”.
Thời gian chuẩn bị cho trại hè cứ lặp lại như vậy.
Kỉ niệm năm đó thật đẹp, nó như một điểm sáng trong giai đoạn chuyển mình của tôi, từ một thiếu niên lên một thành niên, từ một đứa trẻ con trở thành một người lớn. 16 tuổi, tôi tham gia vào đội trống và giành giải nhất Nghi thức Đội. Còn bóng đá tôi cùng những người đồng đội dày công khổ luyện từ 3h sáng đã giành chức vô địch không thể thuyết phục hơn. Vừa hay năm đó Nga An có đón Nông thôn Mới.
Trại hè 2013
Lớn lên thêm nữa, tôi vẫn thích trại hè, vẫn nôn nao mỗi độ tháng 7 về, vẫn cảm thấy lòng đầy rung động mỗi lần lướt facebook vô tình nghe thấy tiếng trống nghi thức đội. 5 năm xa nhà, năm nào tôi cũng có mặt ở quê vào những ngày tháng 7.
Đã 2 năm rồi, Nga Sơn không có tiếng trống trại hè, niềm tự hào của ‘Thành phố Du lịch Nga An” cũng không còn nữa.
Con virus vô hình, bỗng chốc lại khiến cho nhân loại trở nên bối rối. Đứng giữa thành phố đang có lệnh cách ly 14 ngày. Đối mặt với thất nghiệp, những nỗi lo để duy trì cuộc sống hằng ngày, tôi bỗng vui khó tả khi nhìn thấy những chuyến xe Nga Sơn Viện trợ miền Nam. “Nhân dân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa hướng về thành phố mang tên Bác”
Giá như không có dịch bệnh. Bây giờ ở quê đang chuẩn bị đi trại hè rồi.
Giá như không có dịch bệnh. Sài Gòn đang đông vui tấp nập chứ đâu có vắng lặng như lúc này.
Nhắn gửi những đồng hương đang công tác tại miền nam, hãy xem đây như một kì nghỉ dài, cố gắng cách ly thật tốt, đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân. Người còn của còn. Sau này hết dịch chúng ta làm lại. Mũi tên được bắn đi nhờ sợi dây kéo lại, và sau cơn mưa bao giờ bầu trời cũng sáng và tươi đẹp hơn.
Nhắn gửi những người ở quê đang ngày đêm hướng về miền nam. Miền nam vẫn ổn. Chỉ là kì nghỉ hơi dài, ở nhà đóng cửa lâu lâu thì hơi bị tù chân. Công tác kiểm soát dịch vẫn đảm bảo. Hãy lạc quan và hướng về một ngày dịch bệnh được Kiểm soát hoàn toàn, để năm sau, trại hè năm 2022 còn quy mô hơn, hoành tráng hơn những năm trước…
Bình Dương 3h31 ngày 27/7/ năm covid thứ 3 – Nguyễn Hồng Sơn