Đến xóm 6, xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) gặp chị Trần Thị Nhiên, một cựu chiến binh Trường Sơn nghe chị kể về quá khứ hào hùng thời tuổi trẻ.
Sinh năm 1952 tại xã Nga Thủy, Nga Sơn trong gia đình có bốn chị em. Năm 1970 khi vừa tròn 18 tuổi, chị Nhiên hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 6, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14 (Đoàn 559). Trong đội hình đơn vị, chị và đồng đội đã tham gia phục vụ các chiến dịch ác liệt như Quảng Trị, Khe Sanh, A-Lưới. Năm 1975, chị về phục viên với mức thương binh hạng 4/4. Trong chuỗi kỷ niệm chiến trường, chị nhớ nhất là thời gian đóng chốt tại ngầm Ta – Lê những năm 1973 – 1974.
Ngầm Ta – Lê nằm giữa Cua Chữ A và đèo Phu La Nhích, trên nước bạn Lào, cách biên giới nước ta khoảng 82km. Đây là một trong những con đường xuyên Trường Sơn, nối liền tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm Muội (Lào). Địa thế hiểm trở, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm và được mọi người biết đến với tên trọng điểm ATP (Cua Chữ A, ngầm Ta – Lê, đèo Phu La Nhích).Trong chiến tranh ngầm Ta – Lê là trọng điểm đánh phá ác liệt, bất kể đêm ngày của máy bay địch, nhiệm vụ đặt ra với chị và đồng đội là bằng mọi giá phải đảm bảo thông xe cho huyết mạch Trường Sơn lúc đó đang hừng hực khí thế ra trận.“Ngày đó, chúng tôi còn trẻ, khỏe lắm. Làm đường, rà phá bom mìn, cắm cọc tiêu phân luồng, chỉ dẫn cho xe qua ngầm với quyết tâm dù đổ máu cũng không để tắc đường”, chị tâm sự và kể cho tôi nghe về những kỷ niệm nơi chiến trường xưa. Trong rất nhiều kỷ niệm, chị nhớ nhất là lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.Chị nhớ lại vào 14/3/1973, đơn vị nhận được tin có khách quý đến thăm, ai cũng thấp thỏm không biết vị khách quý đó là ai? Phút cuối cùng, khi đoàn công tác xuất hiện tại trận địa, mọi người mới biết đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559), Tướng Đồng Sĩ Nguyên và một số cán bộ khác.Như trôi theo những dòng kỷ niệm, chị khẽ đọc đoạn thơ mà nhà thơ Xuân Hoàng khi đó đi cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tặng cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong nơi cửa thép Ta – Lê. Giọng chị nhỏ nhẹ đầy xúc động, xen kẽ bởi tiếng khóc ngậm ngùi và những giọt nước mắt chảy ròng xuống đôi gò má khô sạm.
“Lịch sử gọi đây là cửa thép
Tôi xin gọi đây là dòng sông Lê
Cửa thép sông Lê và sông Lê là một
Cửa thép có sông nên cửa thép hoóa lành
Sông có lửa nên sông thành tuyến chốt
Hết lửa rồi, sông lại trải màu xanh”
Đọc xong chị im lặng. Có lẽ chị đang nhớ về những đồng đội của mình, những người đã cùng chị rong ruổi trên dãy Trường Sơn, cùng nhau cắm chốt dài ngày trên các trọng điểm, hay cùng chị vùi mình trong Hang 63 nơi cửa thép Ta-Lê năm xưa. Chị giới thiệu với tôi cuốn hồi ký chị đang viết, trong đó, những trang viết vội vã, viết như chớp lấy cảm xúc, như sợ hết mất thời gian.
Theo như chị nói, chị viết để nâng niu, để sẻ chia với những đồng chí, đồng đội của mình, viết để tâm sự với những người cùng cảnh ngộ. Trong đó, những vần thơ, những kỷ niệm chiến trường và cả những lo toan, trăn trở của cuộc sống thường ngày.
Tôi thầm nghĩ, với những cựu chiến binh như chị Trần Thị Nhiên, hết chiến tranh về với đời thường nhưng ký ức chiến trường xưa mãi là những kỷ niệm thân thương, đáng nhớ và đáng trân trọng.
Trịnh Hồng Hải