Đi dọc con sông Hoạt nằm trên địa phận xã Nga Thiện và Nga Điền, huyện Nga Sơn sẽ bắt gặp hàng loạt những bia đá cổ được khắc vào vách đá. Đến nay vẫn chưa có một công trình khoa học nghiên cứu cụ thể về các bia đá.
Đi qua bia đá “Thần” ở xã Nga Thiện khoảng 2 km, sẽ đến Trúc Sơn động. Do trong hang có nhiều văn bia chữ cổ nên được người dân gọi là chùa Hang. Chùa Hang nằm trên dãy núi thiêng Thạch Bi, bên bờ Hoạt Giang hiền hòa thuộc làng Chính Đại, xã Nga Điền, ở phía tây cửa Thần Phù. Khi lên đến cửa Trúc Sơn động sẽ bắt gặp 2 tấm bia cổ khắc chữ Hán Nôm còn in rõ hình hoa văn, rồng chầu. Bước vào trong động sẽ gặp 3 tấm bia cổ được khắc trên vách đá. Xung quanh động có rất nhiều chữ Hán – Nôm được khắc vào vách núi.
Qua Trúc Sơn động 2,5 km là động Lục Vân. Động Lục Vân được người dân địa phương gọi là hang Lã Vọng, bởi mỗi khi trời mưa, trong hang sẽ phát ra tiếng “Boong boong” như người gõ mõ tụng kinh. Xung quanh động Lục Vân có 3 tấm bia đá được viết bằng chữ Hán – Nôm.

Trước đây, cửa biển Thần Phù là con sông Hoạt lãng mạn uốn khúc với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Say đắm trước cảnh trời, nhiều bậc quân vương, thi sĩ như: Lý Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sỹ… mỗi khi đi qua chốn này đều lưu lại những tác phẩm văn học trên vách đá của núi Thạch Bi. Do vậy, khi đi dọc núi Thạch Bi sẽ bắt gặp những tấm bia cổ được khắc chữ Hán.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Dũng – Trưởng phòng VH-TT huyện Nga Sơn, cho biết: “Hiện những tấm bia đá cổ dọc sông Hoạt ở Trúc Vân, Lục Vân động vẫn chưa có một tài liệu nghiên cứu chính xác. Chỉ biết những bài thơ được khắc trong các hang động trên được các vua, chúa ngày xưa khi du thuyền qua sông Hoạt thấy sông nước hữu tình nên cho khắc lại. Hiện chúng tôi cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư các dự án du lịch về đây, khai thác các thế mạnh của địa phương”.