Vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XIX thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn đã phân hóa sâu sắc, những người chủ chiến đã nổi dậy ngay tại kinh thành Huế. Cuộc nổi dậy không thành, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi rời kinh thành ra đi, kêu gọi nhân dân phò vua, cứu nước. Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, phong trào Cần Vương đánh Pháp do các văn thân, sỹ phu yêu nước lãnh đạo phát triển mạnh mẽ, được nhân dân trên khắp cả nước hưởng ứng.
Cùng với văn học bác học của các nhà nho nói chung, văn học dân gian trên đất Thanh Hóa phản ánh phong phú, đa dạng với nhiều phương thức, loại hình về phong trào kháng Pháp anh dũng quật cường của nhân dân và nghĩa binh dưới sự lãnh đạo của các nhà nho yêu nước, trong đó, vè là một trong những loại hình văn học dân gian do quần chúng nhân dân sáng tác, lưu truyền, phản ánh nỗi khổ, sự cùng cực của dân chúng vì tội ác của giặc và lũ tay sai bán nước; phản ánh ý chí và tinh thần dũng cảm của nhân dân, các nghĩa binh, thủ lĩnh chỉ huy đoàn quân nghĩa không quản gian lao, hy sinh anh dũng, đánh Pháp bảo vệ non sông.
Trong những sáng tác dân gian thì sáng tác vè về phong trào Cần Vương với căn cứ Ba Đình, Mã Cao, Ổn Lâm, Cồn Cá Gáy; vè về các thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa: Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Cai Mao, vè Nguyễn Chính – Bang Hiền, Tú Phương, Tống Duy Tân, Cao Điền… là mảng màu tươi đậm trong bức tranh những sáng tác dân gian ra đời vào thời kỳ đỉnh cao của phong trào Cần Vương kháng Pháp thế kỷ XIX.
Vè là thể loại tự sự dân gian, có hình thức văn vần, giàu tính thời sự, phản ánh kịp thời các sự kiện xảy ra trong làng, trong nước, qua đó thể hiện thái độ khen chê của dân gian đối với các sự kiện đó.
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn dâng nước ta cho giặc đã được phản ánh khá trung thực trong bài vè “Tây chiếm tỉnh Thanh”: … Bước sang tháng bảy, mùng hai/ Quân Tây kéo đến pháo đài diễu chơi/Quan đồn mất vía rụng rời/Chắp tay lên trán mà mời cụ Tây…
Lên án chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp và vua quan bán nước, hại dân với việc vơ vét tiền của, bóc lột bằng sưu thuế; bắt phu bắt lính, lập nhà tù, trại giam: …Cũng giang san, cũng triều đình/Thế mà nước mất, dân tình lầm than/Lo sưu, lo thuế đã cam/Nay binh, mai lính dân gian mịt mù/Dân thì phải lính, phải phu/Tỉnh thành đặt chốn lao tù cấm ngăn/Kẻ bất nhân gặp thời bắng nhắng/Được tha hồ đổi trắng thay đen/Một năm biết mấy lần tiền/Nay thuế quốc trái, nay tem quốc phòng…
Ở miền núi cao, vùng đồng bào các dân tộc Thanh Hóa, giặc Tây cũng gây nên những nỗi khổ ai oán: Mày là thằng Tây trắng/Mày là giống Tây đen/Đến mường làm mất vía con gái/Vào mường đốt hại bông cơm/Mày xây đồn trước cửa làng/Mày đào hang trước họng bản/Muốn đánh ai mày đánh/Bắt người khỏe mạnh lên xây đồn/ Đến cả người ốm cũng không tha…
Cùng với nỗi khổ về thân xác, vật chất, ngay cả về tinh thần, đạo lý thờ cúng tổ tông, thực hành tín ngưỡng cũng bị thực dân Pháp xâm hại, khiến dân tình khổ nhục: Tổ cha thằng bố cu gồ/Làm cho tau phải dọn đồ xuống ao/Giường thờ thì ngâm xuống ao/Lại bắt ông vải chui vào bụi năn…
Không chịu khuất phục kẻ thù, hưởng ứng chiếu Cần Vương kháng Pháp, các sỹ phu và quần chúng sục sôi bàn kế sách, quyết tâm kháng Pháp: Khắp nơi Thanh – Nghệ văn thân/Cùng chung hào mục xã dân nghị bàn… Khắp nơi từ miền biển, đến đồng bằng và tận miền non cao xuất hiện nhiều sĩ phu đồng lòng, chung sức cùng đánh giặc: Sáng nghe ông Ấn phủ Hà/Ông Nghè Quảng Phú gần xa một miền/Lại nghe ông Án Tào Xuyên/Hợp mưu mô đúng thư truyền khao quân/Cứu dân cực khổ, gian truân…
Khắp nơi các sỹ phu yêu nước vừa khẩn trương lập căn cứ, ngày đêm luyện tập dân binh để xông lên giết giặc: Bang Hiền viền tổng Văn Trinh/Dùng Cồn Cá Gáy luyện binh trong rừng/Bốn bề nước lớn ngập mình/Quân thì bơi lội, tướng dùng thuyền nan/Nghĩa quân cung tên có ngàn/Bắn ra tên cắm vào phên vẽ người/Thằng Tây có mạnh gấp mười/Tràn vô chắc chết xơi tên Bang Hiền.
Cuộc khởi nghĩa Ba Đình năm 1886-1887 là đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược ở Thanh Hóa. Ba Đình kiên cường đánh giặc đã để lại những bài vè giá trị. Việc xây dựng căn cứ đã được phản ánh cô đọng: Sọt nhồi bùn rác can thành tứ vi/Đào hào dưới cắm chông tre/Châu mai kề súng chỉnh tề uy nghi… /Chung quanh thành gác súng cắt canh/Đêm ngày luyện tập quân binh/Ngày sáu, tháng chạp giao chinh tức thì. Nghĩa quân: Kéo về luyện tập mã binh/Súng đạn đầy đủ, quân binh chỉnh tề và Điểu thương, súng nỏ tay cầm/Chuyển nghề bắn súng tập nhằm sớm hôm…
Khởi nghĩa Ba Đình là sự liên kết, phối hợp của nhiều vùng, nhiều địa bàn dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước. Gần với Ba Đình có Nguyễn Kiên đóng ở Bồ Giông, Mậu Yên, Trường Phi Lai; Tống Duy Tân đóng ở Bồng Trung; Cao Điển đóng ở Sơn Thôn; Bang Hiền và Nghĩa quân đóng ở núi Gây/Trống dong cờ mở, quân vây bốn bề/Rạng ngày cơ vệ chỉnh tề/Thái lai tướng Đỗ kéo về nghìn quân. Hoằng Hóa Văn thì có ông Tán Hoàng/Võ ông quản Hồng xóm làng yên tâm/Lương thì Bá hộ bọc đùm/Dù Tây có đến cũng không sợ gì. Nơi miền Tây tỉnh Thanh, phối hợp với căn cứ Ba Đình: Nghe tường tỏ tiếng Cai Mao/Mặc áo xống vào vác súng lên vai/Không súng thì tuốt dao mài/Hay vác gậy dài, cầm mác cầm dao. Sự phối hợp đó thể hiện sự đoàn kết, nhất trí cao, đồng lòng đuổi giặc cứu nước: Quan Trần người tỉnh Thanh ta/Người đi đánh giặc lại ra với triều/Nghè Tống cả nghĩa cũng theo/Cao Mao cỡi ngựa qua đèo kéo sang… Từ Ba Đình nghĩa quân tỏa đi các nơi, chặn đánh các đoàn xe vận tải của địch và tập kích các toán lính hành quân.
Không chỉ có người Kinh đứng lên chống Pháp, đồng bào các dân tộc miền núi cũng hăng hái hưởng ứng phong trào Cần Vương, theo Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao và đoàn quân nghĩa đánh Tây: Rồi từ đêm ấy xôn xao/Người Thổ bản nào một dạ nghe ông/Súng, dao mài sắc khắp vùng/Nắm cơm, muối vừng dân góp nuôi quân.Ý chí đánh giặc, cứu nước được Tống Duy Tân động viên, khích lệ nghĩa sĩ và dân binh trong buổi tế cờ ở làng Bồng Trung lập công giết giặc:Ai mà lấy được đầuTây/Bạc ban mười lạng, chức tày Lãnh binh.
Dưới sự chỉ huy của các lãnh tụ Ba Đình, nghĩa quân chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công: Ngày sáu, tháng chạp giao chinh tức thì/Súng phun lửa bắn tứ bề/Trận này giặc Pháp hồn lìa, phách tan/Bắn ra Tây chết vô vàn/Thất bại Pháp phải tính đường rút lui. Bang Hiền – thủ lĩnh nghĩa quân tổng Văn Trinh, Quảng Xương đã dụ giặc vào tròng để bắt chúng đền tội:… Trúng kế, dẫn hổ lìa rừng/Lão hô một tiếng, trùng trùng quân ra/ Đường thì đá cuội rải ra/Tây kia dúi dụi, không què cũng lăn/Mác lào, mã tấu ta băm/ Đầu rơi khỏi cổ, thây nằm ngổn ngang… Ở miền núi Thanh Hóa, với sự chỉ huy của Cầm Bá Thước, Cai Mao… khắp các bản thấp, mường xa đâu đâu cùng bừng bừng khí thế tấn công tiêu diệt giặc Pháp: Người Mường Khoòng đánh ra/Người Ca Da đánh xuống/ Người mường Khô lên La Hán đánh đồn…
Thanh thế của phong trào Cần Vương chống Pháp dâng cao, khiến cho giặc chịu thất bại nặng nề và hoang mang lo sợ, để cứu nguy, giặc Pháp huy động mọi binh lực hòng tiêu diệt căn cứ chiến đấu Ba Đình. Trước tình hình trên, để tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, dành sức cho cuộc chiến đấu lâu dài, Phạm Bành và Đinh Công Tráng quyết định rút quân khỏi căn cứ Ba Đình. Đêm ngày 20-1-1887, trong màn sương dày đặc giá rét, giặc Pháp khép chặt vòng vây, Đinh Công Tráng và Phạm Bành chỉ huy theo hai hướng lên Ma Cao tiếp tục kháng chiến và phân tán an toàn trước họng súng và sự truy kích của giặc: Ba Đình đỏ lửa, khói um/Nghĩa quân quyết tử, căm hờn càng cao/Chờ cho giặc tiến quân vào/Giáo dài, mã tấu, phóng lao… vèo vèo/Tây kia kinh sợ rụng rời/Xua thêm lính chiến đứa bơi, đứa chìm… /Đêm hàn giá rét, mù sương/Nghĩa binh phân tán tìm đường lên non.
Đầu năm 1887, giặc Pháp đàn áp dữ dội phong trào Cần Vương. Căn cứ Ba Đình và căn cứ Mã Cao nối tiếp nhau thất thủ… lãnh tụ và các nghĩa binh chiến đấu và tuẫn tiết hy sinh. Sự kiện đó được ghi lại qua vè: Ba Đình lại vỡ một phen/Tây tàn sát liền nhiều vụ dã man/Nêu gương ông Tháo, ông Bành/Đánh thù tan tành mới chịu hy sinh.
Cuộc khởi nghĩa Ba Đình năm 1886-1887 và phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX ở Thanh Hóa đã tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc ta trong chiến tranh chống xâm lược, phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn, sức mạnh đoàn kết hùng hậu của các tầng lớp nhân dân, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất trong cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, đầy hy sinh để bảo vệ độc lập dân tộc còn mãi với non sông , đất nước.
Khởi nghĩa Ba Đình và phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa không chỉ để lại trang sử vàng trong lịch sử mà còn để lại một di sản văn hóa có giá trị, trong đó vè về khởi nghĩa Ba Đình và phong trào kháng Pháp là một minh chứng. Loại hình văn hóa dân gian đó cần phải được tiếp tục sưu tầm, gìn giữ và phát huy nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, yêu nước và cách mạng, bồi đắp và phát huy tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do cho các thế hệ người xứ Thanh hôm nay và mai sau, chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương ngày càng tươi đẹp, mạnh giàu.