Khởi nghĩa Ba Đình- Đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống Pháp

7213

Cách đây 130 năm mặc dù ra đời và tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng cuộc khởi nghĩa Ba Đình là một trong những cuộc khởi nghĩa sớm nhất, có ý nghĩa mở đầu và là đỉnh cao của phong trào yêu nước chống Pháp dưới khẩu hiệu Cần Vương của nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí quyết tâm chiến đấu tới cùng vì nền độc lập, tự do và mãi là niềm tự hào, niềm cổ vũ lớn lao đối với thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Cuối thế kỷ 19, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, lực lượng văn thân sỹ phu yêu nước của Thanh Hóa đã đứng lên tập hợp nhân dân, xây dựng căn cứ để chống Pháp. Với mục tiêu biến Thanh Hóa thành một căn cứ vững chắc cho cả nước, từ sau hội nghị Bồng Trung, Ba Đình- Nga Sơn được các lãnh tụ phong trào lựa chọn xây dựng căn cứ ở khu vực chiến lược đồng bằng. Ba Đình gồm 3 làng: Mậu Thịnh, Mỹ Khê và Thượng Thọ. Là biểu tượng của tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa, bằng tài thao lược của các lãnh tụ như Phạm Bành, Đinh Công Tráng; căn cứ Ba Đình đã trở thành trung tâm tập hợp lực lượng, nơi cung cấp lương thực, vũ khí cho nghĩa quân, nơi chở che cho nghĩa quân khi bị truy quét.

Chính người Pháp cũng phải thừa nhận:  “Trong chiến dịch Thu Đông 1886-1887, cuộc vây hãm Ba Đình là cuộc chiến đấu quan trọng nhất. Cuộc chiến đấu này đã thu hút nhiều quân nhất và làm cho cấp chỉ huy lo ngại nhất”. Để có thể tấn công tiêu diệt căn cứ Ba Đình, từ cuối năm 1886, thực dân Pháp đã tổ chức nhiều đợt công kích, điều động hàng nghìn quân, hàng chục cỗ pháo, dưới sự chỉ huy của gần một trăm sỹ quan lớn nhỏ. Thế nhưng, chiến lũy Ba Đình vẫn vững vàng trước đại bác và lực lượng quân thù đông đảo hùng hậu được trang bị vũ khí hiện đại hơn hẳn. Tiếng súng Ba Đình đã tắt vào đầu năm 1887 nhưng tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa Ba Đình thì tiếp tục thắp sáng trong các cuộc trường chinh vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam.

Năm tháng trôi qua, mặc dù căn cứ Ba Đình và dấu tích của cuộc khởi nghĩa không còn nhưng tinh thần cuộc khởi nghĩa vẫn còn được lưu giữ. Và dũng khí xung thiên – âm vang Ba Đình vẫn còn mãi ngân vang, thắp lửa trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguồn: http://truyenhinhthanhhoa.vn/web/trang-chu/tin-tuc-su-kien/chinh-tri/khoi-nghia-ba-dinh-dinh-cao-cua-phong-trao-can-vuong-chong-phap.html