Hương rạ – Vị khét ngọt ngào chạy dọc tuổi thơ

1322

Tôi về Nga Sơn khi ngày xuân đã gần gõ cửa. Những ngày gần tết dường như làm cho người ta bận rộn hơn, náo nức hơn. Cuối đông, cánh đồng khô chỉ còn trơ lại những gốc rạ. Giấc mộng tuổi thơ lại ùa về văng vẳng bên tai. Lớn lên cùng ruộng đồng, có một khung cảnh vẫn luôn hằn sâu tâm trí tôi mãi. Đó là cánh đồng khô ran đầy rạ khô và làn khói trắng mờ ảo lúc chiều tà.

Thi sĩ Giang Nam đã từng viết về quê hương: “Ai bảo chăn trâu là khổ? / Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao / Có những buổi bắt bướm cạnh cầu ao / Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc”. Tuổi thơ ngây dại ai chẳng từng làm “mục đồng”? Ngày nhỏ, dù nhà không có bò nhưng tôi vẫn lăng xăng chạy theo đám bạn “trẻ trâu” trong làng. Chăn trâu quả thực có nhiều thú vui riêng. Nếu ai bảo chăn trâu là khổ, tôi đoán chắc người đó chưa từng được làm công việc này.

 Cánh đồng cuối đông đất khô nứt nẻ được phủ đầy rạ trắng. Đất khô tới mức có thể dẫm chân lên chạy nhảy. Thả cho bò đi ăn ở những bờ ruộng, lũ trẻ chúng tôi tập trung lại làm những chuyện mà chắc hẳn đến bây giờ, nhiều người dù lớn tới đâu vẫn còn muốn trở lại để làm thêm một lần. 

 Đến nơi bờ ruộng còn ướt, chúng tôi móc bùn đắp thành một bếp lò. Đứa đi vơ rạ, đứa đi kiếm củi, chúng tôi hun khói trắng xóa cả cánh đồng. Làn khói bay lên như kéo bầu trời thấp xuống. Cứ như một sợi dây gắn kết giữa cánh đồng và bầu trời. Chúng tôi ngây ngất nhìn, hồn nhiên nô đùa quanh bếp lửa. Làn khói cứ như vô tận. Bay mãi, lan rộng mãi như muốn ôm trọn cả cánh đông rồi tan vào bầu trời cuối đông mờ đục.

Mùi rạ cháy thực sự khó để diễn tả thành lời. Mùi khét dịu nhẹ, thơm thơm. Khói không cay mà chỉ thoang thoảng. Phải chăng đó là tâm tư của lúa? Hứng nhiều mưa nắng khổ đau, lớn lên cho người lấy thóc, thân mình thì hóa rơm vàng rồi dâng cho bếp lửa. Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng vẫn luôn dịu dàng với người dân quê mình.

Những ngày ấy, tôi thích thả mình nằm trên bờ ruộng đầy cỏ. Nhìn làn khói tan vào trời cao, hít hà thứ mùi của đồng nội. Mùi ngai ngái của bùn đất, của những luống cày mới, mùi thơm ngọt man mác của cỏ non xanh mượt cuối đông và mùi rơm rạ cháy khen khét từ bếp lò của mục đồng.

Chiều tối, đám trẻ lùa trâu về. Từ bờ ruộng cao nhìn xuống, khi đó mới thấy hết vẻ đẹp của đồng nội. Trong làn khói mờ ảo cùng sương chiều, bếp lò vẫn cháy, một vài đám rạ khô cũng cháy, cháy rồi lan ra mãi. Về gần tới nhà, đôi lúc tôi vẫn còn tiếc rẻ, ngoái lại nhìn cho đến khi làn khói bị khuất bởi những vòm cây, những bức tường trong đường làng mới thôi.

Trong tâm trí của một cô bé lên 10 lúc bấy giờ, có lẽ mùi rơm rạ, mùi đất chưa hẳn đã ngọt ngào như lúc này. Những chiều chang nắng ngoài đồng tối về mệt hoa cả mắt. Để rồi mẹ lo lắng hòa cho cốc nước đường chanh cùng lời hăm dọa từ mai không được đi nữa. Cánh đồng tuổi thơ cũng không hẳn đã bình yên. Có những đêm mơ, chẳng may bước hụt bàn chân vào hố rạ lại mình thon thót.

Cánh đồng xưa cũ vẫn ở đó. Nhưng thời gian thực sự vô tình. Nó làm cho nhiều điều thay đổi. Nga Nhân giờ đã là Nga Phượng, cánh đồng vẫn có mùi ngai ngái của bùn đất, của những luống cày nhẵn mượt, mùi ngọt man mác của cỏ cây nhưng không còn mùi khét ngọt ngào của rơm rạ. Vắng lũ trẻ mục đồng, thiếu làn khói trắng mờ ảo nó như buồn và cô quạnh hẳn đi. Kỉ niệm thì bao giờ cũng đẹp. Nhưng có vẻ như nó sẽ đẹp hơn khi không còn nữa. Nó làm cho người ta thấy nhớ nhung,thấy tiếc nuối, thấy mình đã đánh mất đi một thứ thật lớn lao. Kinh tế phát triển, công nghệ hiện đại can thiệp vào nông nghiệp giúp người dân bớt được công sức, đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Một mùa xuân nữa lại sắp về. Xin đừng quá tiếc thương cho mùi rơm rạ khét ngọt. Trước mắt chúng ta còn nhiều mùi hương tuyệt vời hơn. Hương bánh chưng, hương mật mía, thịt kho đông cùng trứng vịt hay giò bò, giò lụa chẳng hạn.

Nhưng vẫn nhớ lắm, hương rạ – vị khét ngọt ngào chạy dọc tuổi thơ tôi.

Nga Sơn, một ngày tháng chạp
Hoàng Ngọc Diễm