Được mệnh danh là “Nam thiên đệ thất động” (động đẹp thứ 7 dưới trời Nam), động Từ Thức được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992. Động huyền ảo như chốn bồng lai tiên cảnh với những nhũ đá lấp lánh, đủ các hình thù lạ mắt được gắn với câu chuyện dân gian về mối tình ly biệt của chàng Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương…
Động Từ Thức trước kia có tên là động Bích Đào, thuộc hệ thống núi đá vôi kéo dài từ Tam Điệp (Ninh Bình) đến cửa Thần Phù – Nga Sơn (Thanh Hoá). Động Từ Thức cách TP Thanh Hóa khoảng hơn 40km và cách thị trấn Phát Diệm (Ninh Bình) hơn 10 cây số.
Động gắn với câu chuyện “Từ Thức lấy vợ tiên” được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Từ Thức là người Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), được nhà vua cử làm tri huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong một lần đi chơi hội, Từ Thức khi thấy nhà chùa giữ lại một cô một cô gái xinh đẹp vì “tội” làm gãy cành hoa mẫu đơn, chàng đã cởi áo gấm xin chuộc tội thay nàng..
Thời gian sau, Từ Thức từ quan về quê. Một lần ra cửa biển Thần Phù ngao du sơn thủy, Từ Thức thấy một ngọn núi như chốn bồng lai, liền bước vào hang động trên núi và phát hiện ra một tòa lâu đài nguy nga. Chàng gặp lại cô gái Giáng Hương, chính là người chàng đã cởi áo gấm chuộc tội giúp khi xưa.
Từ Thức và cô gái kết duyên sống hạnh phúc bên nhau. Sau một thời gian, Từ Thức nhớ nhà, ngỏ lời muốn được về thăm quê. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương cho chuẩn bị xe mây và trao cho chồng một phong thư. Khi đến quê, tất cả đều vật đổi sao dời vì một năm ở cõi tiên bằng 100 năm dưới hạ giới
Từ Thức bèn quay lại cõi tiên tìm vợ nhưng xe mây đã biến mất, mở phong thư ra thì thấy lời từ biệt của Giáng Hương. Chàng buồn bã, thất vọng đi về phía núi Hoàng Sơn (Nông Cống – Thanh Hóa) rồi sau đó biệt tích. Từ đó, động Bích Đào còn có tên gọi là động Từ Thức.
Động Từ Thức là nơi lưu giữ nhiều bút tích của nhà bác học Lê Quý Đôn, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng… Động được xếp hạng di tích quốc gia năm 1992, và hiện nay là một trong những điểm du lịch của huyện Nga Sơn (nổi tiếng với nghề làm chiếu cói) nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.





Trong động lung linh huyền ảo với những tảng đá, nhũ đá có hình thù lạ mắt, gắn với với sự tưởng tượng phong phú của dân gian về cuộc sống nơi thôn quê và tình yêu của Từ Thức và nàng tiên Giáng Hương như: Nơi Từ Thức và Giáng Hương đánh cờ, nơi chàng nằm đọc sách, triện của Từ Thức, dấu chân, buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức, bàn cờ tiên, đôi chim thạch nhũ, mâm ngũ quả, con rồng, “con cóc là cậu ông trời”, dàn nhạc cụ…



Bài thơ của nhà bác học Lê Quý Đôn được khắc năm 1905 về mối tình ly biệt Từ Thức – Giáng Hương.
Văn đạo thần tiên sự diểu mang
Bích đào động khẩu thái hoang lương
Càn khôn nhất hạt cùng Từ Thức
Vân thủy song nga lão Giáng Hương
Thạch động hữu thanh khao hiểu nguyệt
Diêm điền vô vị nát thu sương
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng
Thùy thức Thiên Thai diệc hí trường
Dịch thơ:
Thần tiên vẫn bảo chuyện mơ màng,
Động Bích Đào kia cỏ mọc hoang.
Trời bể tìm tòi, mê huyện Thức!
Nước mây chờ đợi, mệt nàng Hương!
Vang om thạch động trăng gần sáng,
Nhạt nhẽo diêm điền muối đẵm sương,
Giấc mộng Thiên Thai mong mỏi mãi,
Ai hay cũng chỉ hí du trường!
(Theo wikipedia)
Nguồn: http://cand.com.vn/giai-tri-van-hoa/dong-tu-thuc-chon-bong-lai-tien-canh-xu-thanh-498980/