Độc giả gửi: Tháng tư về, bâng khuâng nhớ đất mẹ Nga Sơn

3575

Tháng tư, tháng của thời khắc giao mùa, bao nhiêu kỉ niệm, hồi ức của một người con Nga Sơn xã xứ lại ùa về. Độc giả Nguyễn Sơn có gửi tới Nga Sơn Biz những dòng tâm tư, cảm xúc khi nghĩ về những tháng ngày tuổi thơ và tình cảm, tình yêu với quê hương Nga Sơn.


Nơi tôi học tập và sinh sống giờ đây không có bốn mùa rõ rệt, Sài Gòn chỉ có hai mùa nắng mưa, mà mùa nào cũng nắng như đổ lửa. Thế nhưng tôi vẫn cảm nhận được khoảng thời gian giao mùa. Và hơn lúc nào hết, khoảng thời gian này tôi đặc biệt nhớ quê hương Nga Sơn, nhớ về tuổi thơ, về những ngày được gắn bó với đất mẹ.

Tôi nhớ về tuổi thơ đã để lại nơi miền quê yên ả…

Nhớ những ngày còn tấm bé mẹ dắt xuống bà ngoại mỗi sáng sớm. Mẹ và dì dệt chiếu còn tôi thì cặm cụi chơi ở phía ngoài hè. Tiếng dập chiếu cứ “bập bập” đều đều cho đến tận trưa khi bà ngoại dọn cơm xong mới dừng lại một lát để ăn cơm. Nhiều trưa tôi nằm ngủ trên lá chiếu vừa dệt xong còn thơm mùi cói mới, cạnh mẹ và dì đang làm. Tiếng bập bập ấy còn len lỏi vào những giấc mơ trưa ngày thơ ấu.

Có những buổi chờ mẹ đi chợ về, chỉ mong sao được mẹ mua quà bánh.Những cái bánh “bà Mèo”, bánh rán hay bánh nếp phủ đầy đậu xanh được bán ở chợ Cầu Hói luôn là thứ mà tôi mong chờ mỗi khi mẹ đi chợ. Thuở ấy nào biết thương mẹ là gì. Hễ thấy mẹ không mua quà cho là nghĩ mẹ không thương mình, đâm dỗi không ăn cơm, lên giường nằm ngủ thiếp đi. Tới nửa chiều, thấy đói lại chạy xuống nhà bà cáo tội mẹ rồi để bà lấy cơm nguội cho ăn. Chắc mẹ cũng biết tính tôi vậy, nên mỗi lần dỗi mẹ cũng chỉ nựng vài câu xong lại để cho ngủ. Mẹ biết kiểu gì chiều tôi cũng xuống cáo bà ngoại.

Những chiều hè bóng đã hơi ngả, cậu út kêu tôi đi đánh cá ngoài sông Ngang. Ngày đó tôi còn nhỏ, chỉ thấy cậu vo cám rang thơm vào một cục bùn lớn rồi thả xuống lòng sông sau đó dùng cành cói đánh dấu lại. Thả được chừng 7,8 mồi thì quay lại mồi đầu tiên, cậu ôm gọng cụp nhảy xùm xuống một cái sao cho cụp úp gọn được những con cá đang ăn mồi. Thế là những con cá cứ lần lượt nằm gọn trong tay cậu, nào là cá chép, cá diếc, đôi lúc có cả cá trôi. Còn tôi chỉ việc đứng trên bờ, chờ cậu ném lên thì nhặt cho vào bì. Chập tối, hai cậu cháu đem cá về. Cậu đánh cá hay lắm. Chẳng lần nào được ít cả, tôi thì cứ xách bì cá vẹo cả bên vai. Những con cá ấy sẽ được mẹ kho với  khế hoặc nấu dấm mẻ.

Món cá chép, cá diếc kho khế của mẹ lâu rồi tôi chưa được ăn, nhưng tôi vẫn còn nhớ nguyên vị gừng, vị ớt và vị chua dịu của khế hòa lẫn trong thớ thịt con cá. Đối với tôi, đó là món ăn từ cá ngon nhất mà chẳng có món nào có thể so sánh được.

Nhớ lắm tuổi thơ với những đứa bạn  mục đồng, nhớ những chiều mò cua bắt ốc, nhớ mặt mũi những đứa bạn đen nhẻm, tóc lốm đốm vàng vì cháy nắng, nhớ những con bò con trâu được thả thong dong gặm cỏ ngoài bờ đê. Để rồi giờ đây khi vừa đủ lớn, mỗi đứa một nơi, chợt nhận ra những ngày tươi đẹp và vô tư ấy sẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Nhưng tôi không hề tiếc những ngày tháng ấy. Bởi tôi nghĩ tuổi thơ tôi đủ tươi đẹp rồi, tôi không mong chờ nhiều hơn thế. Nhưng tôi lại lo sợ, sợ rằng tuổi thơ của trẻ con bây giờ liệu có còn được như tôi thuở trước?

Tháng tư về, lúa bắt đầu bén chân xanh tốt và làm đòng, chỉ chờ những cơn mưa hạ cùng giông tố tháng 5 thì sẽ trổ bông. Lúa lại hứa hẹn một vụ mùa với những người nông dân một vụ mùa. Chắc hẳn phải là một vụ mùa bộ thu lưng đầy mồ hôi, sân đầy thóc vàng, một vụ mùa trên cánh đồng những cánh chim chiền chiện cứ liệng chênh chao trên đầu, dưới ruộng lúc nào cũng có tiếng cười rộn rã.

Đã bao giờ, bạn một mình bước ra đồng thăm lúa lúc sắp gặt, bước đi trên con đường mòn hai bên đầy cỏ gà, lúa chín vàng trĩu xuống cả ven đường và nhìn ra xa cánh đồng như một thảm lụa dưới nắng chiều chưa?

Thuở nhỏ, tôi thường theo mẹ đi gặt dù trời nắng chang chang. Cái lí do lớn nhất là tôi mong chờ mẹ tôi gặt được tổ chim thì sẽ cho tôi. Có trứng thì tôi sẽ lấy trứng chơi, nếu có chim non thì tôi sẽ đem về nuôi, bắt cào cào cho chim ăn. Tôi biết nếu tôi không đi thì với lòng nhân ái của mình, mẹ sẽ để lại tổ chim ở đầu bờ ruộng với hi vọng chim mẹ sẽ tìm lại được tổ và không bị thất lạc những quả trứng, những đứa con của mình.

Có hôm tôi lăng xăng mãi chẳng mà chẳng tìm được tổ chim nào, mẹ bắt tôi về. Tôi không tìm nữa, đến một bờ ruộng nhỏ, chiều rộng chỉ rộng hơn lưng tôi một chút, lúa chín vàng ngả rợp hai bên lối đi vướng vào cả đầu gối chân. Tôi nằm xuống bờ ruộng, ngửa mặt nhìn lên trời. Cảm giác đó thật tuyệt. Bầu trời xanh lơ đãng, mây trắng trôi lấp ló sau những bông lúa chín vàng, giống như thể mình đang chơi trốn tìm với những đám mây và mình biết chắc từ trên cao nhìn xuống, mây sẽ chẳng thể thấy nổi mình. Nếu một ngày nào đó trở về quê vào mùa lúa chín, chắc chắn tôi sẽ thử lại cảm giác đó.

Hồi học cấp 2 trong giờ văn, tôi có từng nghe một người bạn viết thế này: “Lúa càng trĩu hạt thì lưng cha mẹ càng còng, lúa càng lép thì nếp nhăn trên chán cha mẹ càng sâu.” Câu ấy vẫn luôn văng vẳng bên tai tôi mỗi khi mùa gặt tới. Tôi vẫn mong sao cho lúa trĩu hạt, để bố mẹ và những cô bác gồng gánh nhiều lúa với gương mặt nở nụ cười rạng rỡ còn hơn là mất mùa, nỗi khắc khổ, lo toan lại hằn lên những vết nhăn trên trán người từng người…

Lớn lên, tôi cũng được đi gặt. Tôi thích nhất cảm giác khi đã đội xong bó lúa cuối cùng cho xe chở về, tôi ngồi lại nghỉ ngơi, đợi mọi người về hết rồi sau đó tôi đi bộ về một mình. Vừa đi vừa tận hưởng thành quả lao động đã xong, chân trần đạp lên những cọng rơm mới nhẹ nhõm đến lạ thường. Trên đường về thi thoảng lại gặp những gương người làng thân thương: “chào bà”, “chào bác” và những câu  như đã lệ  “nhà bà gặt hết chưa?” hay “dạ nhà cháu gặt xong rồi ạ.”.

Mùa gặt, một phần của quê hương. Những ngày này miền quê yên bình bỗng trở nên nhộn nhịp, có thể nói là ồn ào với những chiếc máy tuốt chạy suốt ngày đêm. Tôi thương thứ âm thanh đó lắm, đó là thứ âm thanh “ồn ào” bình yên nhất mà tôi được nghe. Nhờ có âm thanh đó mà lúa gặt về được tuốt sạch sẽ lúa ra lúa, rơm ra rơm. Rồi những ngày này, màu vàng lại phủ lên khắp con đường làng. Những đống rơm được bới ra phơi khắp nơi. Màu rơm vàng hòa vào màu nắng, làm cho mắt cảm thấy mỏi mòn và những cơn buồn ngủ trưa hè lại kéo đến. Tôi cảm nhận như rơm có một đức hi sinh vô cùng cao cả, từ lúc là thân cây còng lưng nâng đỡ bông lúa, sau đó thì chịu cái nắng hè rát mặt để mình trở nên khô và nhẹ hơn rồi cuối cùng dâng mình cho bếp lửa, một phần hòa thành làn khói trắng tan vào bầu trời quê. Cũng bởi thế nên tôi yêu mùi nồng của rơm mới. Cái mùi nồng nồng hăng hắc trong những tối mùa gặt chẳng thể có mùi nào trộn lẫn được…

Tháng tư ở phương xa, tôi hoài niệm về quê hương Nga Sơn như thế.

Biển đang quằn quại với nỗi đau của biển, rừng đang dần chết với nỗi lo của rừng. Quê hương cũng không còn yên bình như thuở trước. Lợn mất giá, hàng cám đóng cửa, kinh tế bị điêu đứng bởi những bàn tay vô hình. Rồi thời tiết lại biến đổi bất thường, Nga Sơn phải hứng chịu cơn lũ lụt lớn tôi chưa từng thấy. Còn chưa hết, ít lâu sau lũ thì lại có đa cấp về làng tôi, rắp tâm lừa gạt những người nông dân nghèo khó vừa mất trắng lợn lại hứng trọn cơn lũ. Những khó khăn, những nỗi đau cứ đổ về quê hương ngày ấy như cào xé, như dằn vặt và làm thổn thức những người xa quê như tôi

Bây giờ mọi chuyện cũng đã dần qua chỉ mong sao mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu cho bố mẹ bớt lo lắng, cho những gương mặt được nở nụ cười, cho những đứa trẻ không phải lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền quá sớm, cho có nhiều tuổi thơ đẹp được viết lên nơi Nga Sơn địa linh nhân kiệt.

Tôi cũng đã đi được nhiều nơi, mỗi nơi đều có những nét đẹp, có chút lưu luyến riêng nhưng tôi biết, tôi chẳng yêu nơi nào hơn quê hương mình cả. Dù sau này tôi có ngang dọc nơi nào, có cứng rắn tới đâu thì khi trở về quê hương chắc chắn cũng phải yếu lòng. Bởi lẽ ai có thể cao ngạo với quê hương, cánh đồng xưa, với cánh cò đã từng đi vào tiếng ru mẹ ru mình ngủ được chứ?

Ở phương xa, tôi luôn ngóng trông ngày được trở về. Trở về để được cùng bà ôn lại những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, để được trò chuyện với những con người thôn quê thật thà chân chất, để tâm hồn lại được chở che sau những ngày phải đối mặt với khó khăn, với những phồn hoa nơi đô thị.

Tôi cũng biết đất mẹ sẽ luôn dang tay ôm tôi vào lòng như những ngày còn thơ ấu. Chợt nhớ đến những câu hát trong bài “Gợi nhớ quê hương” của Anh Thơ:

“Dù xa xôi nhớ ngày trong nôi
Nghe tình quê hương gọi mãi trong đời….”

Sài Gòn, 4/4/2018

Nguyễn Sơn