Công tác đào tạo nghề cho lao động được huyện Nga Sơn xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Hàng năm, huyện đã chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo; đồng thời, tìm hiểu nhu cầu học nghề, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của người lao động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm ngày công lao động. Mỗi năm, huyện tổ chức được 9 đến 10 lớp dạy nghề, với khoảng hơn 600 lao động được đào tạo; trong đó có 500 lao động qua đào tạo có việc làm, nhiều lao động được vay vốn để phát triển sản xuất, phát huy hiệu quả ngành nghề đã được đào tạo. Cùng với đó, huyện phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Hiện, toàn huyện có gần 200 doanh nghiệp và 35 HTX, hàng năm các đơn vị đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Điển hình như: Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Long (Cụm Công nghiệp làng nghề thị trấn Nga Sơn); Công ty TNHH Winners Vina, xã Nga Mỹ; Công ty TNHH Chiến Nga, xã Nga Thủy…
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn cho biết: Để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, trường đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, như: Các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; Tổng Công ty Lilama 5, Lilama 18, Tổng Công ty Sông Đà, Công ty May Winner Vina, Công ty May MS Vina. Theo đó, các ngành nghề được trường tổ chức đào tạo chủ yếu gồm: May công nghiệp, đan hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu máy, trồng nấm, kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh cho gia súc, nuôi lợn hướng nạc, quản lý trang trại, trồng rau an toàn… Hàng năm, nhà trường có hơn 400 học viên, đạt hơn 80% tổng số học viên tốt nghiệp, được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. Đối với các lớp dạy nghề nông nghiệp, sau khi học xong, học viên biết ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất và tăng quy mô sản xuất, năng suất lao động, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Bên cạnh giải quyết việc làm tại chỗ, huyện chú trọng đến công tác đưa lao động địa phương đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Huyện tạo mọi điều kiện về thủ tục vay vốn xuất cảnh, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của tỉnh dành cho người đi xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm 2017 toàn huyện có 160 người đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số lên gần 700 người, tập trung ở các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc… Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của huyện, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt gần 50%.
Ông Nghiêm Xuân Hà, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn, cho biết: Để thực hiện mục tiêu đề ra trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện huyện chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội để thu hút lao động là thanh niên, phụ nữ, nông dân các xã, thị trấn tham gia. Trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện ưu tiên những đối tượng lao động là con em gia đình chính sách, người có công với cách mạng…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội nhằm tạo ra bước chuyển biến tích cực, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu lao động để triển khai công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về số lượng, chất lượng đào tạo, nhất là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.