Bộ Lao động thương binh và xã hội vừa chính thức công bố ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2018 đối với 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Trong danh sách đó tỉnh Thanh Hóa có các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn và thành phố Thanh Hóa. Khi những lao động “chui” vẫn chưa trở về nước thì “cánh cửa” đón lao động Thanh Hóa sang Hàn Quốc theo chương trình phi lợi nhuận sẽ ngày càng hẹp lại.
Bà Đinh Thị Tâm, ở huyện Nga Sơn cho biết: con trai bà đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc từ năm 2008, đến nay đã gần 10 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng với công ty tuyển dụng lao động, con trai bà đã bỏ trốn ở lại không trở về nước. Bà Tâm cũng như nhiều gia đình khác tuy biết người thân sau khi hết hợp đồng đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đều biết là bất hợp pháp, nhưng lại tìm những lý do biện minh cho việc này.


Theo thông báo của Bộ lao động thương binh và xã hội, 5 huyện, thành phố của tỉnh Thanh Hóa bị tạm ngừng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có tổng số 706 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp mạnh mẽ hơn để tuyên truyền lao động bất hợp pháp về nước, thì trong năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 16 huyện, thị, thành phố bị tạm ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Những lao động cư trú bất hợp pháp này, ngoài việc chưa ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc, còn khiến hàng ngàn lao động trẻ không có cơ hội được xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.


Trong thời gian 4 ngày, từ 10 đến 13/5, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa tiếp nhận hồ sơ của người lao động Thanh Hóa có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Tuy nhiên, nhiều lao động thuộc các huyện, thành phố bị tạm ngừng tiếp nhận lao động đã học tiếng Hàn, nhưng không được thi tuyển đợt này.