Trang sử mới trên quê hương Mai An Tiêm

1598

Trong những ngày này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đang gấp rút, khẩn trương chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Ba Đình, 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Nga Sơn. Đây là dịp để cho các thế hệ cán bộ, nhân dân vùng quê Mai An Tiêm, miền đất giàu truyền thống cách mạng, có bề dầy văn hóa, lịch sử nhìn lại chặng đường đã qua. Từ đó, thêm vững bước tự tin trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

140833baoxaydung_image001
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bùi Đình Cam bên Nhà bia tưởng niệm nơi thành lập Đảng bộ huyện.
Khởi nghĩa Ba Đình – bài học về tinh thần quật khởi

Giở lại những trang sử hào hùng trong chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Nga Sơn luôn tự hào là một trong những địa phương hưởng ứng phong trào Cần Vương sớm. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Nga Sơn nổ ra năm 1886, dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh. Thủ lĩnh Đinh Công Tráng cùng với nhân dân Nga Sơn đã chọn Ba Đình làm căn cứ khởi nghĩa. Từ lúc ban đầu chỉ có 300 người, nghĩa quân đã phát triển nhanh chóng, lúc đông nhất tới hai vạn người, bao gồm cả người Kinh, Thái, Mường với vũ khí tự trang bị bằng súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ.

Sau khi chuẩn bị lực lượng, nghĩa quân đã liên tiếp tiến công các phủ, thành, huyện lỵ, chặn đánh các đoàn xe, các toán quân lẻ. Trong đó, có cuộc tấn công táo bạo làm quân Pháp phải run sợ, vào ngày 12/3/1886 lợi dụng phiên chợ, nghĩa quân đã cải trang vào dân thường, tổ chức tấn công Tòa Công sứ Thanh Hóa, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Trước tình hình trên, sau nhiều lần tấn công thất bại, giặc Pháp đã huy động 76 sĩ quan, 3.500 quân với nhiều vũ khí tối tân, vây hãm và tiến đánh Ba Đình. Chỉ tính riêng ngày đầu của cuộc chiến đẫm máu tại Ba Đình, giặc Pháp đã nã 16 nghìn quả đại bác, biến căn cứ Ba Đình thành biển lửa.

Tuy nhiên, nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu anh dũng trong suốt 32 ngày đêm chống lại quân địch đông gấp 12 lần. Song, vì tương qua lực lượng quá lớn và hỏa lực mạnh của giặc, nghĩa quân Ba Đình đã bị thương vong nhiều. Để tránh khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn, thủ lĩnh Đinh Công Tráng và nghĩa quân đã mở đường máu, vượt qua vòng vây của quân Pháp, rút lên căn cứ Mã Cao. Đến sáng 21/01/1887, quân Pháp mới chiếm được căn cứ Ba Đình.

Mặc dù thất bại, nhưng tinh thần yêu nước của nghĩa quân Ba Đình đã để lại cho hậu thế bài học quý báu của cha ông về nghệ thuật quân sự lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Đồng thời là tiền đề, động lực to lớn cho dân tộc ta liên tục đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, kết thúc bằng cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, giành lại độc lập dân tộc năm 1945.

70 năm thành lập Đảng bộ Nga Sơn – một chặng đường lịch sử

Sự ra đời của Đảng bộ huyện Nga Sơn là tiếp nối dòng chảy lịch sử của quê hương, đất nước, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngược dòng thời gian 70 năm trước, vào tháng 11/1946 Đảng bộ huyện Nga Sơn ra đời, trên cơ sở các chi bộ: Nguyễn Thị Minh Khai (được thành lập đầu tiên vào tháng 10/1945 tại làng Thượng xã Nga Thắng), rồi tiếp đến các chi bộ Phan Bôi, Trần Đình Long, Hoàng Văn Thụ… dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Hoàng Việt Long được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Từ một tổ chức đảng đầu tiên có 3 đảng viên, sau 70 năm hoạt động và trưởng thành, Đảng bộ Nga Sơn đã lãnh đạo, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong huyện đóng góp xứng đáng trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện lại cùng nhau nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Chợ trung tâm Nga Sơn được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Chợ trung tâm Nga Sơn được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Phấn đấu đến năm 2020, trở thành huyện nông thôn mới

Liên tục nhiều năm qua, Nga Sơn luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân nằm trong tốp đầu của tỉnh. Riêng giai đoạn 2010 – 2015, tăng trưởng kinh tế đạt 13,1%, năm 2016 ước đạt 13,5%. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông lâm, thủy sản 36%, công nghiệp xây dựng 30,7%; thương mại dịch vụ 33,3%. Tổng vốn đầu tư phát triển 2010 – 2015 đạt 5.644 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm 2015 đạt 21,4 triệu đ/người/năm; năm 2016 ước đạt bình quân 24,3 triệu đ/người/năm. Thu ngân sách năm 2015 đạt 205,596 tỷ đồng, năm 2016 đạt 224 tỷ đồng. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đường sá, cầu cống, cơ quan, công sở… được đầu tư xây dựng kiên cố, bê tông hóa, khang trang, bề thế. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng. Đời sống vật chất tinh thần được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế khởi sắc. Quốc phòng an ninh được giữ vững… Nga Sơn trở thành một điểm sáng, là một trong những điển hình của Thanh Hóa.

Với những đóng góp to lớn đó, Nga Sơn xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nga Sơn có quyền tự hào về chặng đường chiến đấu, bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước. Tin rằng, trên chặng đường mới Đảng bộ và nhân dân Nga Sơn tiếp tục kế thừa truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, phát huy và tiếp thu những tinh hoa giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với văn hóa hiện đại của nhân loại, từng bước đưa Nga Sơn phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, Nga Sơn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, trở thành huyện nông thôn mới.

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/trang-su-moi-tren-que-huong-mai-an-tiem.html