Nhắc đến rắn độc thì hầu hết ai cũng không khỏi kiếp sợ và tránh xa bởi chúng mà phun nọc độc là có thể gây chết người. Thế nhưng với anh Nguyễn Đình Khôi, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa lại khác. Sau10 năm vật lộn với rắn hổ mang, chúng đã đẻ ra “vàng” cho anh mỗi ngày và trở nên khá giả.
Cái duyên với nghề nuôi rắn
Đến xóm 2, xã Nga Liên, được chứng kiến dãy nhà ngói khang trang hình chữ U xây dựng khá vững chắc giữa cánh đồng cói của gia đình anh Khôi, ít ai biết nơi này trước đây chỉ là ao hồ sình lầy. Vui vẻ tiếp chúng tôi, anh Khôi cho biết:“Căn nhà này tôi xây gần năm năm rồi, tất cả từ tiền nuôi rắn. Trước đây cả vợ chồng con cái ở cái nhà lợp bổi. Mùa nắng không có chỗ mà chui, mùa mưa ngập nước. Lúc ấy, nhà mới có 4 miệng ăn mà sắn khoai cũng không đủ. Bây giờ có 9 người lại có chút của ăn của để, nhưng cái thưở hàn vi nghèo khó thì không thể nào quên được”.
Anh Khôi nhớ lại, những năm đầu khi nền kinh tế mới tách khỏi thời kỳ bao cấp, đời sống của người lao động vô cùng khó khăn, làm cói xong cũng chẳng biết bán cho ai vì “chế tài” “ngăn sông cấm chợ” vẫn còn nặng nề. “Lúc đó gia đình tôi có thể nói nghèo nhất xã Nga Liên. Cả nhà chỉ có 1 cái giường bằng luồng, tôi nhường cho vợ con, còn mình nằm đất, quần áo thì mặc chung. Làm gì để nuôi mình và vợ con khi cả nhà chỉ có ba sào ruộng, các con thì ngày một lớn khôn. Trong khi tiền kiếm được từ bán cói khô không đủ mua gạo nấu cháo qua ngày. Bao đêm tôi suy nghĩ rằng: Nghề cơ khí thích lắm nhưng mình không có trình độ, làm cói thì bán chẳng ai mua. Tôi bắt đầu đi bắt lươn từ sự mách bảo của người hàng xóm”.
Anh khôi đang cho chúng tôi xem những chú rắn độc của mình
Tìm những ống nứa, ống tre cũ và học hỏi từ người đi trước, tự tay anh Khôi đan ton (Một dụng cụ để bắt lươn). Hằng đêm khi dân làng say sưa với giấc ngủ, thì anh bì bõm dưới ao hoặc cánh đồng cói. Nhiều đêm vợ anh không ngủ yên, phần vì thương chồng vất vả, phần sợ chồng bị rắn cắn. Bưng bát cơm sắn nhiều hơn gạo vợ để giành phần nhiều hơn cho mình, anh rớt nước mắt và quyết tâm làm giàu.
Ngày nối ngày, vợ chồng anh đầu tắt mặt tối mà cũng chỉ đủ ngày 2 bữa cơm độn sắn. Cuộc sống của gia đình anh chỉ thực sự khởi sắc khi anh chuyển nghề nuôi, buôn rắn, nuôi rắn thịt bán cho Trung quốc…
Nhớ lại cái duyên với nghề nuôi rắn độc anh Khôi bảo: “Người ta cứ thấy rắn độc là sợ, lúc đầu tôi cũng sợ lắm. Thế nhưng một lần đi bắt lươn vô tình thấy một con rắn hổ mang to và dài nằm ngay ria bờ ruộng, do dang đeo bao tay và đi ủng nên tôi đứng im một lúc thấy nó không động đậy tôi đến gần chộp lấy đầu nó rồi bỏ vào giỏ mang về. Từ đó tôi cũng không thấy sợ hãi và không thấy nó nguy hiểm như mình nghĩ. Vậy là tôi đã nảy ra ý định nuôi rắn và tìm hiểu về các mô hình nuôi rắn, cách bắt rắn, cách cho rắn ăn và tiếp xúc với chúng…”
Những nguy hiểm nghề nuôi rắn
Dẫn chúng tôi ra chuồng rắn, chỉ vào những cái lồng hình vuông nhỏ có cửa sắt nhìn khá an toàn, anh Khôi cho biết ở đây có khoảng 600 con rắn hổ mang bành và hổ mang trâu. Anh bảo, cứ một năm là xuất được một lứa rắn rồi lại chăm nuôi tiếp lứa sau, cứ như vậy từ năm này qua năm khác.
Anh từ từ mở cửa chuồng cho chúng tôi chiêm ngưỡng một con hổ mang bành. Được nhìn tận mắt mới thấy hết vẻ đáng sợ của loài rắn độc này. Thấy có người tiến đến gần, con rắn dựng đứng lên, cổ phình to ra và phát ra tiếng phì phì, nghe mà rùng mình. Anh Khôi cho biết thêm, cứ 3 đến 5 ngày mới cho rắn ăn một lần, tùy vào thời tiết và thức ăn chủ yếu của chúng là chuột, cóc, gà con hoặc vịt con…
Những con rắn được nhốt trong lồng
Nói về sự nguy hiểm của loài rắn này, anh Khôi tâm sự: “Nuôi rắn hổ mang bành không phải là dễ. Nhất là những lúc cho ăn, không cẩn thận sẽ bị nó cắn hoặc phun nọc độc vào mắt. Loại rắn hổ mang bành này không giống như những loại khác, nọc của nó độc lắm. Ai mà bị nó cắn, không cấp cứu kịp thời chỉ 20 phút sau là thiệt mạng như chơi”.
“Đặc biệt, đối với rắn cái khi đẻ rất hung để dữ giữ trứng. Khi lấy trứng phải dùng cái cần hình phễu lấy nhẹ nhàng từng quả một và tránh đụng vào rốn rắn, vì đó là phần nhạy cảm dễ làm rắn nhột. Khi bị nhột, rắn sẽ quay đầu lại đớp liền hoặc lao thẳng vào mắt mình. Để phòng rắn cắn, khi dọn chuồng, lấy trứng, phải đeo gang tay bảo hộ dài, dầy, đeo kính và bịt kín mặt để tránh bị rắn phát hiện ra mắt của mình và tấn công”.
Hỏi về lí do tại sao anh lại theo cái nghề nguy hiểm này, anh bảo làm riết rồi quen. Vả lại cái nghề này đã thay đổi cuộc đời anh giờ không dễ gì mà bỏ.
Rắn đẻ ra vàng
Từ ngày nuôi được con rắn, không những thoát nghèo, cho con ăn học mà gia đình anh Khôi còn mua được nhiều vật dụng đắt tiền. Theo anh Khôi, rắn hổ mang có tác dụng làm thuốc chữa bệnh rất quý và hiếm, và còn là thức ăn bổ dưỡng.
Rắn độc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho anh Khôi
Ngoài nuôi rắn thịt, anh còn nuôi rắn lấy trứng. Anh Khôi cho biết, nếu tính kinh tế thì trứng rắn là thu hoạch hiệu quả kinh tế cao nhất. Rắn cái sau khi giao phối, chúng mang bầu và bắt đầu sinh sản vào tháng 4 hàng năm. Mỗi ngày một con rắn cái đẻ khoảng 20 đến 30 quả trứng, đẻ liên tục trong 15 ngày. Nếu trứng rắn hổ mang bành bán cho lái buôn tại nhà là 130.000 đồng/quả, trứng hổ mang trâu bán 270.000 đồng/quả.
Như vậy có thể nói một ngày thu nhập lên đến hàng mấy triệu từ trứng rắn là bình thường. Giá rắn thịt hiện nay cho lái buôn 700.000 đồng/kg đối với rắn hổ mang bành, hổ mang trâu có giá từ 1.000.000 đồng đến 1.200.000 đồng/ kg. “Năm nay, tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuồng nuôi thêm 500 con rắn giống nữa” – Anh Khôi chia sẻ với tôi như vậy.