Nhọc nhằn mùa cói

88

Ở các xã ven biển của huyện, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn hàng chục ha cói đang được người dân thu hoạch một năm 2 vụ vào tháng 6-7 và tháng 10-11.

So với trước đây, diện tích cói ở Nga Sơn đã giảm đi nhiều, do người dân chuyển đổi sang nuôi tôm và các loại thủy sản khác. Tuy nhiên, cây cói vẫn là loại cây trồng chủ lực đem lại một phần thu nhập cho bà con nơi đây. Do vậy, dù vất vả nhưng người dân Nga Sơn vẫn chăm sóc và thu hoạch cói như một sinh kế hàng năm.

Trồng cói, chăm sóc cói và thu hoạch cói rất vất vả và mất rất nhiều thời gian. Cây cói tươi có 3 cạnh sắc và khá nặng nên công việc rất mệt nhọc, nhất là những ngày nắng nóng. Sau khi cắt, người nông dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, rồi phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau.

Tiếp đó, cói được chẻ ra trước khi đem phơi. Công cụ chẻ là lưỡi dao đặt giữa 2 con lăn bằng thép, một người sắp các thân cây đưa vào lưỡi dao, người kia rút mặt để chẻ cây cói ra. Đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian, bởi nếu không chẻ, cây cói sẽ héo và rất khó chẻ.

Cây cói chẻ ra được phơi ngay trên đồng khoảng 3 ngày, nếu trời nắng là đạt yêu cầu của cói nguyên liệu. Nếu trời mưa, hay ít nắng, người dân lại phải mất thêm nhiều công để tiếp tục phơi. Mặc dù vậy, giá cói thành phẩm cũng không quá cao, giao động từ 1,2 -1,5 triệu đồng/tạ. Muối có giá cao hơn, người nông dân phải mất thêm công đoạn se cói. Khi đó giá bán được từ 1,7 -2 triệu đồng/tạ.

Việc thu hoạch cói thường diễn ra vào ngày nắng nên rất vất vả. Ra đồng từ mờ sáng để tranh thủ thời tiết mát, những người nông dân làm việc miệt mài cho đến khi nắng lên quá đầu. Họ chỉ dừng lại dăm phút để uống nước, rồi lại tay cắt tay chẻ, đem phơi. Những sợi cói tươi hăng hăng, cũng vì thế mà xen lẫn mùi mồ hôi mặn mòi của những người nông dân.

Khi nắng lên cao, người ta căng một tấm vải trên đồng tạo thành chỗ trú nắng và tiếp tục công việc. Để thu hoạch được 100kg cói tươi, mỗi buổi ra đồng phải mất công sức của 4 người làm việc từ sáng đến trưa. Từ trên cao nhìn xuống hàng chục mảnh vải che nắng cứ thế bay phấp phơ giữa thảm cói xanh ngắt. Sau mỗi vụ, người trồng cói sẽ tiếp tục chăm sóc bằng cách làm cỏ, bón phân, chờ cây mọc trở lại để thu hoạch vụ tiếp theo.

Thời tiết nắng nóng hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp. Khi cói đạt độ khô cần thiết, chiều mát là có thể để bán cho các đại lý… cói sau khi sơ chế sẽ được dệt thành chiếu và các sản phẩm tiểu thủ công như mũ, túi xách, làn, đồ trang trí, đồ lưu niệm.

Dù thu nhập từ cây cói có phần bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết, nhưng người nông dân ở Nga Sơn vẫn giữ lấy nghề với mong muốn cây cói tiếp tục tồn tại trên mảnh đất này. Giữa cái nắng nóng như thiêu đốt, nhưng trong câu chuyện về nghề trồng cói ở Nga Sơn họ vẫn vui vẻ kể về cây cói như một niềm tự hào. Dù rất mệt, họ vẫn nở nụ cười hồn hậu và vẫn còn nguyên sự chân chất, thật thà của người nông dân.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nhoc-nhan-mua-coi-i326187.html