Năm 2015 là năm bản lề cho sự phát triển giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Nga Sơn nói riêng, cũng là thời điểm tổng kết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn lần thứ XXI. Nga Sơn đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân được nâng lên.
Hiện nay, toàn huyện có 312 máy làm đất, 55 máy cấy, 13 máy gặt đập liên hợp… đã góp phần nâng cao năng suất lao động. Xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn 6 xã vùng cói, giảm diện tích cói kém hiệu quả từ 1.600 ha (năm 2010) xuống còn 1.040 ha hiện nay; chuyển đổi hơn 196 ha cói sang trồng lúa và 84 ha cói sang phát triển trang trại, nuôi trồng thủy sản bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá.
Nhiệm kỳ qua, nhân dân trong huyện đã đầu tư 60 tỷ đồng phát triển chăn nuôi trang trại. Đến nay, toàn huyện có 912 trang trại, tăng 616 trang trại so với năm 2010, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 27,8% (2010) lên 37,1% (2014). Giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2014 đạt bình quân 93,4 triệu đồng/ha, trong đó có 2.500 ha đạt giá trị 120 triệu đồng/năm trở lên.
Sản xuất công nghiệp, tiểu – thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh. Hiện trên địa bàn huyện có 142 doanh nghiệp tư nhân, 4 doanh nghiệp nhà nước, 2 doanh nghiệp FDI, 34 HTX.
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Đến hết năm 2014, Nga Sơn đã có 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí xây dựng NTM bình quân toàn huyện đạt 13,27 tiêu chí (tăng 9,97 tiêu chí so với năm 2010).
Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đạt được những thành tựu quan trọng. Năm 2012, Nga Sơn là một trong năm huyện đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Hằng năm, đều có học sinh giỏi trong các kỳ thi quốc gia; số học sinh thi đại học và tỷ lệ đậu vào các trường chuyên nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước. Các lĩnh vực như; y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao… đều đạt chất lượng tốt về chuyên môn và sôi nổi về phong trào.